Âm và Dương

342

Sức mạnh của Âm và Dương phối hợp với nhau để tạo ra sự chuyển động và duy trì sự cân bằng của vũ trụ. Ở nơi làm việc, âm dương có thể liên quan tới các yếu tố hữu hình như kiểu sắp xếp và trang trí văn phòng, nhưng việc phân tích các ảnh hưởng của âm dương cũng áp dụng cho các hoạt động diễn ra trong công ty và mối quan hệ tương hỗ của những người làm việc ở nơi đây.

Phần nhiều ở các văn phòng, dương có xu hướng thịnh hơn âm. Các đường thẳng của các bàn làm việc, ánh đèn huỳnh quang sáng trưng, màn hình vi tính, mặt sàn bóng loáng và các tủ hồ sơ bằng kim loại, bầu không khí ồn áo, náo nhiệt – tất cả đều là dấu hiệu của một môi trường đầy dương tính.

Phòng làm việc của chủ tịch và hội đồng quản trị thường nằm lánh xa nhịp sống sôi động hàng ngày của các phòng làm việc và chúng được trang trí thể hiện âm tính nhiều hơn, thường là các tác phẩm nghệ thuật và những gì thú vị thể hiện sự thịnh vượng của công ty. Ở một văn phòng sôi động, cây xanh có thể giúp làm dịu đi sự gay gắt của môi trường dương tính và các vật dụng trang trí có nước tượng trưng cho việc thu hút tài lộc vào khu vực tiếp khách và các khu vực khác.
Các hoạt động của văn phòng cũng chia làm hai loại: âm và dương. Những công việc hành chánh diễn ra đều đặn mỗi ngày mang tính âm. Còn công việc có tính hành động như ra quyết định và thực thi sách lược mang tính dương. Ví dụ: một cuộc họp kêu gọi sáng kiến thường diễn ra với sự tham gia của nhiều người, quanh một chiếc bàn, trong một căn phòng rực ánh đèn và rất thoáng rộng – gần như bạn có thể cảm nhận được một luồng năng lượng mạnh mẽ (dương khí) đang luân lưu khắp phòng.

Thỉnh thoảng, cuộc họp lại lắng dịu xuống (âm khí) khi người chủ trì cuộc họp tóm lược kết quả đã đạt được, trước khi họ lại xoay qua một đề tài nóng bỏng khác (dương khí). Chúng ta có thể thấy rõ sự tương phản của công việc mang đầy tính dương nêu trên với công việc đưa các ý tưởng đó vào thực thi. Công việc lập trình cho máy tính chẳng hạn, đòi hỏi ở bạn nhiều giờ làm việc lặng lẽ, âm thầm so với những lúc năng lượng dương phát tiết ra ngoài khi thất vọng vì công việc không tiến triển theo kế hoạch đã định. Trong dương luôn có âm và trong âm luôn có dương.
Con người cũng có thể xếp thành hai nhóm: dương tính và âm tính. Một số người bề ngoài rất năng động và tràn đầy nhiệt tình nhưng đôi khi họ rất dễ bị căng thẳng thần kinh và mắc bệnh do thể chất bị suy kiệt. Ngược lại, những người có tác phong chậm chạp, bình thản lại có khi làm các đồng nghiệp sửng sốt vì khả năng ứng phó với các tình huống khủng hoảng. Một vị giám đốc năng động, táo bạo có thể sẽ cần một trợ lý điềm tĩnh và biết giải quyết công việc có hiệu quả. Những người chuyên ra chủ trương, quyết định thường cần được bổ khuyết bằng những người biết thừa hành công việc để đưa ý tưởng của họ vào thực tiễn.
Ở môi trường công ty, âm dương phải được cân bằng để công việc chạy suôn sẻ. Một không khí làm việc quá dương tính cho thấy có khả năng công việc không chạy, đưa tới tình trạng căng thẳng. Nhưng nếu nó quá âm tính, có thể năng suất công việc thấp, công ty ở trong tình trạng trì trệ, không bắt kịp xu hướng mới trong kinh doanh. Như ta đã thấy, tính khí con người hoặc là âm hoặc là dương và chúng được thể hiện rất rõ ở nơi làm việc. Thừa nhận người khác làm việc và cư xử khác mình ra sao là điều rất quan trọng trong việc điều chỉnh và mang lại bầu không khí thuận hòa cho công ty.
Các yếu tố làm cho Văn phòng có tính Dương:
Máy móc, điện thoại và fax, bàn làm việc hình chữ nhật, rèm cửa, tủ hồ sơ bằng kim loại, lượng người qua lại, các cuộc nói chuyện, cách trang trí đèn, bề mặt phản chiếu.
Công việc có tính dương:
Đóng góp ý kiến, hạn định về thời gian,tiếp thị, bán hàng, xúc tiến mậu dịch.
Loại người dương tính:
Nhiệt tình, năng động, sáng ý, chính xác
Các yếu tố làm cho Văn phòng có tính Âm:
Giấy tờ, thảm, màn cửa, tác phẩm nghệ thuật, vật dụng nội thất có màu tối, chỉ có một người làm việc, tủ hồ sơ bằng gỗ, giấy dán tường, bề mặt trang trí hoa văn.
Công việc có tính âm:
Hành chính, sáng tạo, sản xuất, đóng gói bao bì, xét duyệt lại.
Loại người âm tính:
Sẵn sàng tiếp nhận, sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, ngăn nắp, trật tự, khoa học.

Âm Dương trong Phong thuỷ

Khi bước chân vào một căn nhà, thường cảm giác ngay thấy sáng sủa, ấm cúng, hoặc tối tăm, lạnh lẽo. Hai mặt đối lập này thuộc hai yếu tố căn bản của khoa Phong Thủy – Âm và Dương.

Khoa Phong Thủy có quan niệm đơn giản, mọi vật trên quả đất này chỉ ở trong hai trạng thái, hoặc Âm, hoặc Dương. Khái niệm về Âm Dương cũng rất giản dị, chẳng hạn: Ánh sáng là dương, bóng tối là âm. Ngày là dương, đêm là âm. Nóng là dương, lạnh là âm. Màu đỏ là dương, màu đen là âm v.v… Âm Dươnglà hình thức khởi thủy của vạn vật, là hai trạng thái đối nghịch, nhưng không thể tách rời ra được, phải nương tựa vào nhau để tác động hỗ tương cho nhau.


Khoa Phong Thủy cũng quan niệm mọi vật trên quả đất này được chia làm 5 loại: Kim, Mộc, Thủy, Thổ và Hỏa. Mỗi loại có một đặc tính riêng gọi là hành. Và mỗi hành có một màu tượng trưng, như màu trắng tượng trưng cho hành Kim, màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, màu đen tượng trưng cho hành Thủy, màu vàng tượng trưng cho hành Thổ, màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa. Vật này tạo ra hay nuôi dưỡng, làm lợi cho vật khác gọi là tương sinh. Còn ngược lại, vật này hủy diệt hay cản trở vật kia thì gọi là tương khắc.

Mỗi phần của một căn nhà sẽ thích hợp với màu tương ứng của hành ở hướng này.
Ngoài vật thể, phương hướng cũng bị chi phối bởi Ngũ Hành, cho nên mỗi hướng có một hành riêng, chẳng hạn, hướng Bắc thuộc hành Thủy, hướng Nam thuộc hành Hỏa, hướng Đông thuộc hành Mộc, hướng Tây thuộc hành Kim v.v… Một căn nhà, dù ở bất cứ vị trí nào, cũng bị ảnh hưởng bởi tám hướng, do đó,mỗi phần của một căn nhà hay một cơ sở thương mại sẽ thích hợp với màu tương ứng của hành ở hướng này.

Bởi vậy, nếu chỉ giới hạn trong lãnh vực sắp xếp, trang trí cho nhà ở và cơ sở thương mãi, thì ý nghĩa của Âm Dương và Ngũ Hành lại càng đơn giản hơn, có thể xem như chỉ gồm trong hai vấn đề: màu sắc và ánh sáng.

Khi chọn một căn nhà để ở, dù là nhà mướn hay nhà mua, thì chúng ta phải hiểu rằng, ở một vài tháng hay một vài năm, thì đó cũng là nơi cư ngụ của mình, là tổ ấm của mình sau những giờ lao tâm khổ trí ngoài đời mỗi ngày. Cái tổ của chúng ta có êm ấm, bền vững hay không là do từng ngọn cỏ, cọng rơm mà chúng ta lót thành tổ. Bởi vậy, trang trí nhà cửa là một nghệ thuật. Nếu nghệ thuật này được phối hợp với những quan niệm căn bản của khoa Phong Thủy thì sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích.

Ở đây, chúng ta chỉ lưu ý đến hai nguyên tắc: Âm Dương hòa hợp và Ngũ Hành tương sinh. Trong lãnh vực trang trí nhà cửa hay cơ sở thương mại, Âm Dương hòa hợp chẳng qua chỉ là sự phối trí giữa ánh sáng và bóng tối thế nào cho hợp lý. Chỗ nào đáng sáng thì sáng, nơi nào cần tối thì tối. Chẳng hạn, cửa chính là nơi tiếp nhận sinh khí vào nhà, cho nên, cửa chính phải ở một vị trí sáng sủa. Phía trước cửa chính không nên bị những tàn cây lớn che phủ làm cho thiếu ánh sáng. Hoặc trường hợp cửa chính nằm trong một hành lang dài và hẹp, thì ánh sáng cũng không đủ để hấp dẫn sinh khí vào nhà, do đó cần phải có đèn cho sáng hơn.

Cửa chính là nơi tiếp nhận sinh khí vào nhà nên phải ở một vị trí sáng sủa
Sau cửa chính, phòng khách, phòng ăn và phòng làm việc đều nên sáng sủa. Chỉ có phòng ngủ là không nên sáng quá, vì đây là nơi mà chúng ta nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Bởi vậy, không nên trang trí phòng ngủ bằng nhiều màu “nóng”, như màu đỏ, màu hồng hay màu rượu chát… Không nên đặt TV, máy hát, radio, máy computer trong phòng ngủ. Cũng không nên chưng nhiều hoa trong phòng ngủ, dù là hoa thật hay hoa giả. Những thứ vừa nêu trên tạo ra nhiều dương khí, không thích hợp cho một nơi để nghỉ ngơi và cho một giấc ngủ an lành.
Đèn, màn cửa và màn sáo (mini blind) là những thứ chính yếu để điều chỉnh ánh sáng theo ý muốn của chúng ta. Điều chỉnh ánh sáng trong một căn nhà, trong một căn phòng hay trong một cơ sở thương mãi là chủ ý cho Âm Dương được hòa hợp. Âm Dương hòa hợp thì cuộc sống mới êm đềm, công việc làm ăn mới trôi chảy.

Kiểm soát năng lượng

Khoa Phong Thủy cho rằng mỗi hướng đều phát ra một năng lượng khác nhau. Do dựa trên chu kỳ của tự nhiên nên thật dễ hiểu ý nghĩa, ví dụ, khi nói rằng năng lượng ở hướng đông được tượng trưng bởi mặt trời mọc hay mùa xuân hay sự tăng trưởng trẻ trung.

Nếu dùng hình tượng này, chúng ta có thể nghiệm ra rằng năng lượng khơi dậy từ hướng đông sẽ thích hợp cho các công ty mới thành lập; hướng nam là của các hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp như tiếp thị chẳng hạn; hướng tây thích hợp cho việc củng cố các hoạt động kinh doanh, cho các hoạt động tài chính; còn năng lượng ở hướng bắc tĩnh tại hơn sẽ thích hợp với các hoạt động bình lặng như kho bãi hoặc tư vấn.

Năng lượng công việc kinh doanh của bạn chủ yếu được quyết định bởi hướng của cửa ra vào văn phòng.

Âm và dương

Chúng ta có thể sử dụng các nguyên tắc Phong Thủy vào việc quyết định xem loại hình hoạt động nào thích hợp với hướng nào nhất. Đồ hình Bát quái cho chúng ta biết hành nào thuộc hướng nào và chúng có tính âm hay dương.

Mộc: Thường được biết đến như “Sự trỗi dậy” qua hình thái Dương của hành này. Mộc mang ý nghĩa tăng trưởng và chuyển động. Dưới hình thái Dương, Mộc năng động hơn, thể hiện sự động não, đưa ra các sáng kiến và nhanh chóng có được quyết định. Dưới hình thái Âm, Mộc được gọi là “Sự Thấu suốt” mang ý nghĩa thiên về trực giác hơn. Kế hoạch được đề ra và thực hiện: các ý tưởng biến thành các bản thiết kế.

Âm (-) Đông nam: Thiết kế

Dương (+) Đông: Phát triển, ý tưởng

Kim: Dưới hình thái Âm tính, Kim được gọi là “Niềm vui thích”, thể hiện sự hân hoan và suy tưởng, cả hai tâm trạng biểu lộ cả bên trong lẫn bên ngoài, gương soi và các vật bóng loáng, và sự suy gẫm. Dưới hình thái Dương tính, Kim thường được xem là “Khả năng sáng tạo” và gợi nhắc đến sức mạnh và sự bất động như được biểu hiện qua các nhà máy sản xuất lớn.

Âm (-) Tây: những vật dụng kim loại nhỏ (dao, kéo), đồ trang sức, tài chính, trầm tư

Dương (+) Tây bắc: Kỹ nghệ nặng, máy móc

Thổ: Dưới hình thái Âm tính, Thổ được biết là “Trái núi”, chỉ sự tĩnh lặng. Với Thổ, chúng ta gieo hạt, chuẩn bị và cung cấp sự trợ giúp. Dưới hình thái Âm tính, Thổ thường được xem là “Sự Tiếp nhận” và sinh sôi nảy nở – xuất phẩm của nó được biến thành hàng hóa.

Âm (-) Đông bắc: nuôi trồng thảo mộc, các dịch vụ liên quan đến in ấn.

Dương (+) Tây nam: khai thác đá, đồ gốm, sản xuất lương thực

Hỏa: Hỏa luôn mang tính Dương và không có hình thái Âm tính. Hỏa được biết là “Sự Đeo bám”, và thể hiện các hoạt động liên quan đến việc đưa các ý tưởng, sản phẩm đến giai đoạn cuối cùng và cổ động, xúc tiến chúng.

Dương (+) Nam: xuất bản, quan hệ công luận, các phòng thí nghiệm.

Thủy: Thủy luôn mang tính Âm và không có hình thái Dương tính. Thủy được biết là “Vực thẳm”, và thể hiện một khu vực nơi đó năng lượng đứng im, bất động nhưng cũng là nơi đều đặn xuất hiện các dòng chảy.

Âm (+) Bắc: Lưu trữ và kho bãi, thương lượng bí mật, dây chuyền sản xuất
Theo Nghệ thuật bài trí nhà cửa theo khoa học Phương đông.

Năng lượng âm dương ảnh hưởng đến phong thủy

Phong thủy là khoa học về môi trường sống. Đối tượng nghiên cứu của phong thủy bao gồm thế đất và khung cảnh xung quanh nhà như: dòng sông, con đường, núi, đồi, và các cảnh quan nhân tạo.

Tất cả những cấu trúc vật lý tạo ra năng lượng âm và dương đều ảnh hưởng đến tình trạng phong thủy và đời sống con người.

Khi âm dương cân bằng sẽ tạo ra khí hài hòa, mang lại sự thịnh vượng cho con người. Ngược lại, khi âm dương mất cân bằng, năng lượng trở nên hung dữ, tạo ra sát khí, gây ra vận rủi và tai họa.

Vì thế, việc lựa chọn hay tạo sự cân bằng âm dương cho môi trường sống là vô cùng quan trọng.

Ví dụ như đối với khung cảnh hoàn toàn bằng phẳng (thuộc âm), ta nên đưa thế đất cao (tượng trưng cho dương) vào đó.

Tương tự, khung cảnh nếu toàn đồi núi, không có sông hoặc cây cối sẽ mất cân bằng vì có quá nhiều dương. Lúc đó, phải có thung lũng và dòng nước để mang lại sự cân bằng cho môi trường này.

Mấu chốt của phong thủy là nhằm đạt đến sự cân bằng âm dương. Cảnh quan hơi nhấp nhô, gợn sóng là thế đất tiêu biểu cho sự cân bằng âm dương và năng lượng hài hòa.

Đối với ngôi nhà, về mặt thực hành, một chiếc sân có bề mặt bằng phẳng có thể được cân bằng bởi bụi cây, bể nước, đá tảng.

Tuy nhiên, nếu một trong những cấu trúc này quá rộng lớn lại tạo nên sự mất cân đối, dẫn đến điều kiện phong thủy không tốt. Người sống trong nhà sẽ phải chịu hậu quả của tình trạng đó dưới hình thức bệnh tật hoặc các loại vận rủi.

Khoa học về phong thủy có những hướng dẫn giúp người thực hành khảo sát và lựa chọn cảnh quan cho nhà ở, nơi làm việc và thậm chí nơi chôn cất được đặt ở vị trí có thể thu được nhiều vượng khí nhất, mang lợi ích cho gia chủ và cả con cháu của họ.

Không những thế, khoa học về phong thủy còn có những gợi ý đảm bảo khí tốt luân chuyển và ổn định, mang đến nhiều vận may hơn nữa cho người sống trong nhà.

Nguồn: Phong Thủy Tổng Hợp

Có thể bạn quan tâm


Tin bạn có thể thích


Tin được xem nhiều


6 kiểu tư duy của người 'làm mãi vẫn nghèo'

6 kiểu tư duy của người ‘làm mãi vẫn nghèo’

Không phải điều kiện thua kém mà tư duy là điểm khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người
Người sở hữu 7 NĂNG LỰC này mới mạnh mẽ thật sự, sống trọn từng phút giây, hạnh phúc đến mức ai cũng ngưỡng mộ

Người sở hữu 7 NĂNG LỰC này mới mạnh mẽ thật sự, sống trọn từng phút giây, hạnh phúc đến mức ai cũng ngưỡng mộ

Người sở hữu nội tâm bình ổn như nước lặng luôn cho chúng ta cảm giác an toàn, đáng để
3 đường chỉ tay cực phẩm tượng trưng cho Phúc - Lộc - Thọ, ai có đều tài ba, may mắn hơn người người

3 đường chỉ tay cực phẩm tượng trưng cho Phúc – Lộc – Thọ, ai có đều tài ba, may mắn hơn người người

Nếu bạn sở hữu 1 trong 3 kiểu bàn tay dưới đây cả cuộc đời bạn sẽ may mắn, sống
Cổ nhân dạy: 'Thà lấy góa phụ chứ không lấy nữ nhân tái giá?'

Cổ nhân dạy: ‘Thà lấy góa phụ chứ không lấy nữ nhân tái giá?’

Các cụ xưa có lời dạy: "Thà lấy góa phụ chứ không lấy nữ nhân tái giá?". Bạn có hiểu