Cũng đã từng có tờ báo đề cập đến vấn đề Việt Nam quan tâm đến hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Iron Dome (Vòm Sắt), một thành tố của hệ thống phòng thủ chống tên lửa ba tầng của Israel, cùng với hệ thống tầm trung David’s Sling và tầm xa Arrow.
Iron Dome là tầng phòng thủ thấp nhất, nó có 2 nhiệm vụ chính gồm: Ngăn chặn các cuộc tấn công tấn công bằng rocket, đạn pháo và súng cối; đóng vai trò là hệ thống phòng không tầm gần tấn công các mục tiêu như máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV, vũ khí đạn đạo dẫn đường chính xác PGM.
Hệ thống có thể trực chiến cả đêm lẫn ngày, trong mọi điều kiện thời tiết bao gồm cả khi trời mù hoặc bão cát. Một tổ hợp thường là có 3 xe. Mỗi thùng phóng có 20 ống chứa tên lửa Tamir. Đạn tên lửa dài 3m, đường kính 160mm, trọng lượng 90 kg, phạm vi đánh chặn 70km.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm gần Iron Dome của Israel
Tuy nhiên, mặc dù Iron Dome được coi là có hiệu quả hàng đầu thế giới trong đánh chặn đạn tên lửa tầm ngắn và rocket, nhưng khả năng Việt Nam mua các hệ thống này là không cao. Có 2 nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất là: Mặc dù giá thành rẻ (mỗi quả đạn 50.000 USD, một đại đội tốn 50 triệu USD), hơn các hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Israel và thế giới, nhưng khi vận hành với số lượng lớn, chi phí của chúng cũng không hề rẻ, trong khi một quả đạn rocket bị đánh chặn chỉ có giá vài nghìn USD.
Thứ hai là: Israel sử dụng Iron Dome hiệu quả cao trong điều kiện rocket của Hamas và Hezbollah phóng sang lãnh thổ nước này với số lượng ít, mật độ tấn công thưa thớt. Nếu trong chiến tranh cường độ cao, đối phương sử dụng một tiểu đoàn pháo phản lực, phóng đồng loạt hàng trăm quả vào một khu vực tác chiến rộng chừng 5km2, Iron Dome khi đó sẽ bất lực.
Trong khi đó, Việt Nam không ở trong hoàn cảnh như của Israel. Với những điều kiện và đặc điểm khác nhau, thực tế là Việt Nam sẽ có thể sẽ không lựa chọn loại vũ khí chống tên lửa này.