Linh hồn (hay hồn ma) có thật hay không? Hiện tượng gọi hồn là gì? Có nên đi gọi hồn người chết không?…là những câu hỏi mà khoa học vẫn chưa thể lý giải được.
Sự thật là có nhiều người tin rằng chúng ta có thể dễ dàng giao tiếp được với người thân đã mất bằng cách áp vong, gọi hồn. Điều này xuất phát từ mong muốn được khám phá thế giới tâm linh, muốn biết người thân của mình ở dưới suối vàng như thế nào, có được đầy đủ thoải mái, có vui vẻ hạnh phúc không…
Vậy linh hồn là gì?
Bí ẩn về cái chết luôn là nỗi ám ảnh của con người. Từ rất xa xưa, người ta đã muốn khám phá thế giới của con người sau khi chết. Thế nhưng trước đây khi đi vào lĩnh vực ấy chủ yếu chỉ có hai con đường là triết học và tôn giáo. Ngày nay, dù khoa học hiện đại đã phát triển vượt bậc nhưng có vô số hiện tượng tâm linh xảy ra mà khoa học vẫn chưa lý giải được.
Linh hồn trong quan niệm của người Việt Nam có từ rất lâu đời. Được dân gian ghi chép lại qua ca dao, tục ngữ. Chẳng hạn như dân gian hay gọi “ba hồn bảy vía”, “hồn lìa khỏi xác”,“hồn xiêu phách lạc”… Hay đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng đề cập đến chuyện linh hồn trong tập truyện Kiều nổi tiếng rằng: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Nghĩa là cái chết chỉ ở thể xác bề ngoài, còn linh hồn thì vẫn là thứ tồn tại mãi mãi.
Không chỉ vậy mà y học cổ truyền phương Đông cũng thừa nhận linh hồn chính là khí trong mỗi con người. Thầy thuốc nhân dân Bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, từ xa xưa Đông y đã luôn công nhận con người gồm hai phần hồn và xác. Vì Đông y lấy thuyết âm dương và khí huyết làm chủ. Con người sống được là nhờ âm dương cân bằng và khí huyết đầy đủ. Khi người ta chết, Đông y có câu “hữu hình – hữu diệt, vô hình – bất diệt”, nghĩa là những cái nhìn thấy được – hữu hình: Xương, thịt, huyết… sẽ bị mất đi, còn những cái vô hình: khí tồn tại vĩnh cửu trong không gian. Hơn nữa, Đông y coi Tâm là chủ thần (sự sống) khi thần mất đi tức là chết. Thần tồn tại được nhờ khí và huyết, do đó khi người ta tắt thở tức là tâm mất, thần và khí thoát ra ngoài, sau đó kết hợp với nhau và gọi là hồn.
Như vậy, linh hồn là một khái niệm mơ hồ, nó tồn tại ở dạng vô hình, trong suy nghĩ của con người. Mặc dù con người không biết nó là gì nhưng vẫn luôn tin rằng nó tồn tại.
Linh hồn nặng 21g?
Theo như những gì con người cảm nhận về linh hồn thì khi người chết đi hồn sẽ rời khỏi xác, vậy thì nếu chúng ta cân một người còn sống và chính người đó tại thời điểm tắt thở thì sẽ biết trọng lượng của linh hồn? Ý tưởng táo bạo này được bác sĩ Duncan MacDougall ở bang Massachusetts (Hoa Kỳ) thực hiện vào năm 1907.
Bác sĩ Duncan đã làm thí nghiệp trên nhiều bệnh nhân sắp chết vì bệnh nan y, ông đặt họ lên chiếc giường có gắn cân điện tử đặc biệt với tỷ lệ chính xác lên đến phần nghìn gram và tiến hành theo dõi liên tục trong suốt quá trình từ khi người bệnh trước khi chết, trong lúc hấp hối và sau khi tắt thở. Ông thu được số liệu: Ở tất cả các trường hợp đều có sự sụt giảm về cân nặng khoảng 21 gram nên ông đi đến kết luận là linh hồn nặng 21g.
Kết quả nghiên cứu của bác sĩ Duncan đã dấy lên một cơn chấn động trong giới khoa học lúc bấy giờ nhưng sau đó nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không có cơ sở để khẳng định chắc chắn rằng linh hồn sẽ thoát khỏi xác người chết ngay tại thời điểm tắt thở – nhưng họ lại không chỉ ra được linh hồn thoát ra khi nào?
Cho đến nay dù y học đã rất phát triển nhưng người ta vẫn chưa thể xác định chính xác khoảnh khắc chết thực sự của một con người. Và trong thí nghiệm của bác sĩ Duncan cũng chưa ai giải thích được cái gì đã mất đi tại thời điểm đó để dẫn đến trọng lượng người chết bị giảm đi 21g so với lúc còn sống. Tóm lại, linh hồn vẫn là điều gì đó vô cùng huyền bí mà các nhà khoa học, giới nghiên cứu tâm linh nhiều thế hệ qua vẫn đang miệt mài tìm hiểu.
Gọi hồn là gì?
Gọi hồn là việc kêu gọi linh hồn của một người đã chết quay trở về để nói chuyện với người đang sống. Người ta tin rằng một số người có khả năng đặc biệt có thể giao lưu được với người ở thế giới tâm linh mà ta vẫn thường gọi là thầy cúng hoặc người có khả năng ngoại cảm (nhà ngoại cảm).
Khái niệm gọi hồn được hiểu như sau: Nhà ngoại cảm sẽ “làm phép” để linh hồn người đã chết có thể nhập vào thể xác của một người còn sống. Qua đó người bình thường có thể giao lưu, nói chuyện được với linh hồn của người đã chết.
Thể xác đó có thể là chính thầy cúng nhưng cũng có thể là người nhà của người đã chết. Cho dù là nhập vào ai thì sau khi hồn nhập vào, người đó giống như biến thành người đã chết kia, có thể nói đủ thứ chuyện mà chỉ những người trong gia đình mới biết, thậm chí giọng điệu, phong cách cũng giống y hệt người chết. Tuy nhiên, một số người cẩn thận cho rằng để cho hồn nhập vào người nhà mình đáng tin hơn là nhập vào ông thầy cúng.
Tôi có một cậu bạn thân tên là Quân, cách đây 3 năm nhà bạn ấy có mời một thầy ngoại cảm về để gọi hồn ông nội bị hi sinh từ thời kháng chiến chống Mỹ. Hàng xóm láng giềng truyền tai nhau rồi cứ thế kéo đến nhà bạn ấy để xem và xin nhà ngoại cảm kia giúp gia đình họ gọi hồn người thân về luôn.
Được sự đồng ý của bố Quân và nhà ngoại cảm, mỗi gia đình mang theo 1 cái chiếu và mấy người thân. Ông thầy yêu cầu mỗi gia đình muốn gọi hồn ai thì ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh và quê quán vào 1 tờ giấy nhỏ, sau đó người nhà nào thì ngồi vào chiếu nhà đó, ngồi trong tư thế ngồi thiền. Ngồi kín cả trong nhà có khoảng 10 gia đình, bên ngoài có hàng trăm người vẫn tò mò dõi xem.
Ông thầy đặt những tờ giấy nhỏ lên bàn thờ rồi thắp hương, sau đó ra bàn uống nước ngồi. Chỉ khoảng 5 phút sau, ông thầy bảo có hồn nhà ai đang vào đấy. Vừa dứt lời tự nhiên gia đình kia có một chị lăn ra chiếu ngất lịm đi khoảng 30 giây rồi bừng tỉnh, mắt nhìn quanh. Đó là hồn ông bố chồng đã nhập vào, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển mà hình như chỉ có bà vợ (là mẹ chồng của chị) mới hiểu. Sau đó, lần lượt lần lượt gia đình nào cũng có người bị nhập. Có gia đình nọ còn gọi hồn cả một thằng bé về rồi nhập vào bà cô, tự nhiên bà cô chuyển giọng trẻ con khóc oe oe…
Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh gọi hồn người chết số lượng lớn. Thực sự quá bất ngờ, muốn không tin cũng khó. Hơn nữa, thằng bạn thân còn nói: Khi gọi hồn ông nó về, ông nó dặn dò nó như thật, có cả những thứ mà nó mới chỉ nghĩ trong đầu, chưa bao giờ nói ra mà ông nó cũng biết. Quá ảo!
Câu chuyện tôi vừa kể ở trên không nhằm mục đích hô hào ai tin theo, mà chỉ đơn giản là để mọi người hiểu rõ hơn về việc gọi hồn vẫn đang tồn tại trong dân gian.
Có nên gọi hồn người chết không?
Theo quan điểm Phật giáo (Bắc tông), một người sau khi chết có thể lập tức tái sinh (đối với người tạo nghiệp cực thiện hay cực ác) hoặc trải qua giai đoạn trung gian từ 1 đến 49 ngày rồi tùy theo nghiệp mà tái sinh vào cảnh giới tương ứng. Trừ những trường hợp đặc biệt chết do đột tử, bất đắc kỳ tử thường gọi là chết oan, còn lại đa phần sau 49 ngày các hương linh đều theo nghiệp tái sanh.
Theo giáo lý Nhân quả – Nghiệp báo, những nỗ lực của người thân hướng về hương linh như tạo phước, cầu nguyện..v.v…chỉ trợ duyên, ảnh hưởng tốt đến hương linh được phần nào thôi chứ không can thiệp sâu vào khuynh hướng tái sanh của họ. Vì mỗi người đều phải ‘thừa tự’nghiệp lực của chính mình. Để được giải thoát, tự thân hương linh phải tỉnh thức và hướng thiện. Không ai có thể cứu vớt chúng ta ngoại trừ những nỗ lực tu tập của chính chúng ta.
Do vậy, khi người thân mất đi, trách nhiệm của chúng ta là tận tâm dốc lòng cầu nguyện và tạo phước để hồi hướng, mong họ siêu thoát. Còn siêu thoát hay không là do sự tỉnh thức chuyển hóa nghiệp lực của chính họ, thân nhân chỉ trợ duyên mà không thể can thiệp được. Cho nên, không cần gọi hồn, triệu hồn, cầu hồn hay các phương pháp tương tự vì không mang đến lợi ích thiết thực cho hương linh và chỉ tốn kém, gây lo lắng hoang mang thêm cho thân nhân.
Trong bối cảnh cầu cúng mang sắc thái thần quyền đang nở rộ hiện nay, chúng ta cần có chính kiến trong việc thờ cúng để khỏi rơi vào tà kiến, mê tín dị đoan.
Bài viết được biên tập lại từ nhiều nguồn khác nhau trên internet nên chỉ có tính chất tham khảo.