Khi tia nắng cuối ngày khuất dần qua những ngọn núi đá vôi, mặt hồ Na Hang nơi xanh thẳm, nơi lóng lánh vàng.
Na Hang là khu du lịch nằm ở hai huyện Na Hang và Lâm Bình, Tuyên Quang. Nơi đây cách TP Tuyên Quang khoảng hơn 100 km, đường đi dễ. Là hợp lưu của sông Lô và sông Gâm, Na Hang có 8.000 ha mặt nước, xung quanh là núi đá vôi đồ sộ, rừng nguyên sinh xanh thẳm. Vì vậy nơi đây còn được mệnh danh là “Hạ Long giữa đại ngàn”
Ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ của Na Hang, nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (thường gọi HaiLeCao) có chuyến thăm lại vùng đất này trong đầu tháng 4. Anh dành hai ngày để khám phá và thực hiện bộ ảnh cảnh sắc Na Hang.
Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, sáng sớm cảnh sắc Na Hang luôn ngập trong sương mù, đặc biệt mùa đông từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Vì vậy nhiều du khách tới đây phải trầm trồ như lạc vào “bồng lai tiên cảnh”.
Những tia nắng đầu ngày xuất hiện, mặt nước phản chiếu núi non hùng vĩ. Du khách lúc này có thể bắt đầu hành trình từ bến thuyền Na Hang khám phá hồ, ngắm các đảo đá như núi Pắc Tạ hay núi đá Cọc Vài.
Mặt trời càng lên cao, nước chuyển dần sang màu xanh ngọc bích. “Dọc từ bến Lâm Bình suôi về xã Thuý Loa, có một cảm giãn thư thái rất yên bình, xung quanh bốn bể là núi non trùng điệp ôm ấp đôi bờ. Thuyền lướt đi trên mặt nước xanh biếc, phẳng lặng như gương, thật là sơn thủy hữu tình”, anh Hải mô tả.
Ở đây du khách cũng được gặp những người địa phương mưu sinh trên non nước Na Hang. Họ đánh bắt cá tôm, vận chuyển hành khách trên hồ. Lúc này du khách dường như được thoát khỏi mọi bộn bề, bon chen nơi phố thị.
Nhìn từ trên cao, Na Hang càng có nét tương đồng với vịnh Hạ Long. Mùa đẹp nhất để đến Na Hang là vào tháng 5 đến tháng 9 hàng năm vì tiết trời mát mẻ, nước dâng cao và luôn trong xanh. Những du khách yêu thích vẻ đẹp huyền ảo nên đến đây vào tháng 11 đến tháng 1 hàng năm.
Trên những hòn đảo nhỏ xanh tốt cây trái là nơi người dân dựng nhà, phía xa làm bè bắt cá tôm.
Buổi chiều khi mặt trời dần khuất sau những rặng núi, ánh nắng còn sót lại tạo nên những mảng màu xanh, vàng cam trên mặt hồ. “Đây chính là thiên đường cho nhiều nhiếp ảnh gia phong cảnh sáng tác. Vì diện tích lòng hồ rộng, cộng thêm núi non trùng điệp nhưng không quá cao để đón mặt trời mọc và lặn với những thời khắc ánh sáng vàng cho nhiếp ảnh”, tác giả chia sẻ.
Cuối chiều, những con đường dẫn du khách ra khỏi Na Hang sẽ băng qua những cánh đồng lúa xanh mởn, nếp nhà yên bình.
Phía xa, sương mù dần phủ kín những mái nhà hòa cùng khói lam chiều. Không chỉ bằng mắt, du khách còn trải nghiệm vẻ đẹp qua mọi giác quan, khi cái se lạnh phủ trên làn da, mùi thơm của những gian bếp sộc ấm khoang mũi.
Lan Hương
Ảnh: HaiLeCao