[post-views]

Đánh giá:
5/5

Thời gian vàng của tình yêu

Thời gian vàng của tình yêu bắt đầu từ khi hai ánh mắt chạm nhau. Tình yêu đến từ cái nhìn đầu tiên. Từ đó bắt đầu sự nhớ nhung bồi hồi. Nói với nhau bao nhiêu cũng chưa đủ, nhìn nhau bao nhiêu cũng chưa đủ, hôn nhau bao nhiêu cũng chưa đủ.

Thời gian vàng để giữ sự thiêng liêng và tất cả thi vị của tình yêu chỉ một tích tắc, khoảng thời gian đủ để người con gái thể hiện một cái lắc đầu. Tình yêu thiêng liêng và cực đẹp kéo dài cho tới khi xảy ra cuộc quan hệ tình dục lần đầu tiên. Sau lần đó sẽ có n lần khác. Tình yêu làm nảy nở tình dục và tình dục giết chết tình yêu. Sau lần quan hệ tình dục đầu tiên, sự thiêng liêng và cao cả của tình yêu biến mất, chỉ còn lại quan hệ thể xác trần tục. Con trai cho tình yêu để được tình dục. Điều này thường đúng, vì con gái không quan hệ tình dục nếu không có tình yêu. Con gái cho tình dục để được tình yêu. Điều này thường sai, vì các chàng trai sau khi no xôi chán chè hay cao chạy xa bay. Tôi quen biết một chàng trai có phương châm sống rất thực dụng – không cưới những người đã ngủ, chỉ cưới người chưa ngủ. Anh bạn này tên là Ngọc, thông minh, đẹp trai. Ngọc đã yêu nhiều người nhưng chỉ yêu một thời gian ngắn sau khi đã quan hệ tình dục một số lần. Tôi thầm thương các cô gái đã trót yêu Ngọc. Nhưng đã có một người con gái biết cái giá thời gian vàng của tình yêu. Cô gái này tên Hà, là nhân viên kế toán của một ngân hàng nước ngoài có chi nhánh ở Hà Nội. Ngọc và Hà yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Nhớ nhung bồi hổi. Mỗi ngày nhắn tin cho nhau hơn 10 lần và tối nào cũng đi café. Ngọc tặng Hà hoa hồng, Hà vui vẻ nhận. Ngọc tặng Hà Iphone đời mới, Hà lắc đầu từ chối. “Chúng mình đi ăn trưa nhé!”, Hà lặng lẽ gật đầu. Ăn trưa xong Ngọc gợi ý: “Chúng mình đi nghỉ trưa, em nhỉ”, Hà lặng lẽ lắc đầu. Nhân có mấy ngày nghỉ lễ, Ngọc rủ Hà đi nghỉ mát ở Tuần Châu, Hà gật đầu đồng ý. Ở Tuần Châu, họ sóng đôi đi dạo rồi đi tắm biển. Hà mặc bikini rất hấp dẫn, nhưng khi về phòng khách sạn Hà lại mặc rất kín cổng cao tường. Cách mặc đó thay cho cái lắc đầu. Họ yêu nhau gần hai năm rồi tổ chức đám cưới. Trong khoảng thời gian đó Ngọc đã nhiều lần nhận được cái lắc đầu của người yêu. Bây giờ thì đôi ấy đã có biệt thự và hai ô tô. Nhưng quan trọng nhất là hai đứa con đẹp như tranh vẽ. Bây giờ chồng đưa gì thì Hà cũng cầm, kể cả những món tiền hàng tỉ đồng. Những cái gật đầu của Hà một thời khiến Ngọc phải nhận thức nghiêm túc về vợ mình. Anh biết vợ là người rất tự chủ và biết tự trọng nên không thể xem thường. Họ sống hạnh phúc trong sự bình đẳng giới, hai người đều biết tôn trọng nhau. Được như thế là nhờ Hà đã biết tận dụng thời gian vàng của tình yêu.

Thời gian vàng của hôn nhân

Thời gian “vàng” của hôn nhân không phải là tuần trăng mật, vì đó là thời gian hai bên bắt đầu nhìn thấy những điểm yếu của nhau. Khi yêu, những điểm yếu bị che lấp đi. Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại.

Còn trong tuần trăng mật thì những điểm yếu dần lộ ra, người ta bắt đầu nhìn thấy con sâu trong khóm hoa và một số trường hợp tạo nên những cú sốc. Không ít cặp đôi đã ly hôn ngay sau tuần trăng mật.

Cô vợ trẻ thứ nhất kể: “Từ trong phòng tắm đi ra, tôi giật mình khi thấy hàm răng giả của anh ấy được ngâm trong cốc thủy tinh, để trên bàn. Nếu ngậm răng giả cả đêm thì hôi lắm nên phải ngâm trong cốc nước. Nếu không ngâm trong nước thì sợ chuột cắp mất hàm răng, vì nó hơi có mùi. Chẳng biết anh ấy mất hàm răng từ bao giờ nhưng cái hàm răng giả ấy làm tôi sợ. Tôi không dám hôn một người không có hàm răng. Mọi hứng thú trong tôi lập tức biến mất. Tôi không thể sống suốt đời như thế và đành phải ly hôn thôi”.

Và sau đây là câu chuyện của cô vợ trẻ thứ hai: “Trong khách sạn ga gối trắng muốt. Tôi xịt một chút nước hoa lên gối cho thơm. Trên cái bàn nhỏ tôi để một chai vang Pháp và hai thanh socola. Đây là những thực phẩm của tình yêu, nó khiến chúng ta nhiều hưng phấn hơn, nồng nàn hơn và dẻo dai hơn. Chúng tôi cùng vào phòng tắm, kì lưng cho nhau. Sau đó với chiếc khăn tắm quàng hờ qua người, chúng tôi sẽ ngồi uống rượu vang và nhâm nhi thanh socola. Chúng tôi vừa uống vừa trò chuyện và trao cho nhau những nụ hôn ngọt ngào cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Uống hết chai vang thì sự hứng khởi đã đến rồi. Chúng tôi lên giường. Tôi chờ đợi những nụ hôn và sự vuốt ve của chồng. Bàn tay đàn ông vuốt ve làm mỡ dưới lớp da của người phụ nữ nóng dần lên để rồi cả hai vợ chồng chìm vào trong hoan lạc. Tôi tưởng tượng như thế. Nhưng sự thật không như thế. Anh ấy uống rượu vang như uống bia, một hơi là hết cốc và nhai socola rau ráu như ta ăn rau sống. Sau đó anh ấy nhảy bổ vào tôi làm hùng hục như trâu húc mả. Tụt hết cả hứng, tôi nằm thẳng đơ như khúc gỗ, chán chường nghĩ về chồng. Sao anh ta lại thiếu tế nhị thế. Không một chút lãng mạn nào. Ngay trong tuần trăng mật mà không hề có lãng mạn thì đời sống vợ chồng sẽ ra sao. Và thế là chúng tôi chia tay”.

Người thứ ba kể: “Anh ấy chán lắm. Trông cao to thế nhưng chẳng làm ăn được gì. Khi vợ mới bắt đầu có hứng thì chồng đã xỉu rồi: “Cuối giờ chơi mang đến lại mang về”. Nếu cứ tiếp tục sống chung thì tôi sẽ ngoại tình. Đói ăn vụng, túng làm liều. Làm vợ khổ nhất là đói về chuyện ấy. Đó là lý do chúng tôi ly hôn”.

Ba câu chuyện trên thuộc dạng tuần trăng mật đắng. Tuy là tuần trăng mật nhưng không phải là thời gian “vàng” của tình yêu. Người xưa nói trai yêu vợ mới. Tuần trăng mật là vợ mới, nhưng vợ mới cũng cần có sự hòa hợp, nếu không có hòa hợp thì có thể bi kịch sẽ xảy ra.

Người chết không im lặng

Ông Nguyễn Hữu Hùng đã đưa được hài cốt của bố là liệt sĩ Nguyễn Hữu Dũng về quê. Theo quy định mới thì hài cốt liệt sĩ phải được xét nghiệm ADN. Và kết quả xét nghiệm cho thấy hài cốt ông Hùng đem về chính xác là liệt sĩ Nguyễn Hữu Dũng. UBND xã cùng các ban ngành ở địa phương đã tổ chức lễ truy điệu trọng thể và đưa hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang.

Tôi cũng biết người chết không im lặng. Dịp Tết Tân Hợi năm 1971 là những ngày chiến đấu hết sức ác liệt của chúng tôi. Từ km 69 đến km 71 là một trọng điểm giao thông biên giới. Hai bên đường là núi đá, con đường độc đạo chạy ở giữa nên rất dễ bị địch bịt chặt bằng bom đạn. Đơn vị chúng tôi bảo vệ đoạn đường này. Mỗi ngày phải quần nhau với máy bay địch hàng chục trận. 

Một hôm sau nhiều trận đánh quyết liệt, máy bộ đàm bị hỏng, đường dây liên lạc hữu tuyến bị đứt, Sở Chỉ huy cấp trên bắn pháo hiệu gọi tôi lên báo cáo tình hình. Tôi định gọi vài chiến sĩ đi cùng nhưng thấy anh em mệt quá, đứa nào cũng gục vào mâm pháo ngủ nên tôi đi một mình. 

Vì đêm tối và đường mòn bị bom đạn phá nát nên tôi đã đạp phải mìn lá. Dù tôi đi giày nhưng mìn lá cũng làm nát bàn chân phải của tôi. Máu chảy rất nhiều. Tôi bò vào một căn hầm chữ A bị bom đánh sập một nửa bật đèn pin lên tự băng bó vết thương. Vì mất máu nhiều nên tôi lả đi. 

Tôi láng máng nghĩ đến cái chết. Bỗng tôi thấy bố tôi xuất hiện ở cửa hầm và nói: “Con không chết đâu, mờ sáng ngày mai sẽ có một cô gái đến cứu con”. 

Đúng như vậy. Mờ sáng hôm đó một cô thanh niên xung phong đi tuần đường đã lần theo dấu máu và tìm thấy tôi trong hầm. Sau này tôi biết tên cô ta là Tẻ, quê ở Thái Bình. Tôi mồ côi bố năm lên 10 tuổi, vậy mà trong tình huống sinh tử bố tôi đã xuất hiện.

Năm 1972, tôi được đơn vị cho ra miền Bắc học. Với người lính ở chiến trường việc được ra Bắc học là vô cùng quan trọng vì tôi xa cái chết hơn và được về gần mẹ hơn. Suốt đêm tôi không ngủ được. Mãi gần sáng tôi mới chợp mắt được một tí thì lại trông thấy bố tôi. 

“Mẹ con mong con ghê lắm. Hãy ghé qua nhà một hôm. Và dọc đường hãy đón ân nhân của con”. 

Ân nhân của tôi là cô Tẻ, người đã tìm thấy tôi ngất lả trong hầm. Nhưng làm sao tôi có thể đón được cô ấy? Tôi biết Tẻ đang ở đâu mà đón. Nhưng xe tôi chạy gần đến địa giới Quảng Bình thì gặp một cô gái đứng bên đường vẫy xe xin đi nhờ. Tôi nhìn ra thì đó là Tẻ. 

“Anh ra Bắc để học”. “Em cũng ra Bắc học, gặp anh là may rồi”. Đó là chuyện lạ lùng tưởng như không có thật.

Ông tiên về trời

Ông Nguyễn Hữu Hoan đột ngột qua đời ngày 10 tháng Giêng năm Canh Tý. Cụ là người cao tuổi nhất xã nên loa truyền thanh xã phải thông báo cho nhân dân biết.

Tôi đi viếng cụ. Ông Nguyễn Hữu Hùng kể: “Không có biểu hiện gì khác thường hết. Ông vẫn ăn Tết vui vẻ bình thường. Nhiều người đến mừng thọ, ông đều mời rượu và nói chuyện vui vẻ. Tối mùng 6 Tết, ông bảo tôi: “Sáng mai làm lễ hạ nêu, cháu mời hai cô và các cháu về cho vui”. Bố tôi có hai người em gái lấy chồng ở làng khác. Khi nghe tôi nói rằng ông gọi các cô về là họ về ngay. Hôm đó ông cho tiền hai bà cô, mỗi người 10 triệu đồng. “Khi hai con lấy chồng bố không có của hồi môn cho các con, bây giờ bố bù lại”. Ông nội tôi nói như thế. Cái Hiếu, con gái út của tôi cũng được ông nội tôi cho 10 triệu đồng với lý do cháu học giỏi được giải Nhất thi Toán ở trường. Số tiền là để sau này cho cháu vào đại học. Quê ta vẫn có tục cúng lễ lên nêu và lễ hạ nêu. Cái lễ hạ nêu hôm đó rất vui vẻ. Ông ăn hai miếng bánh chưng, uống hai chén rượu. Và ông nói với hai bà con gái: “Tết năm nay mẹ con hay về ngồi bên giường của bố rất lâu. Chắc mẹ con muốn rủ bố đi rồi. Vả lại bố đã 105 tuổi, đã sống hết tuổi trời rồi. Ngày 11 tháng Giêng là giỗ bà nội tôi. Ngày mùng 10, hai bà cô về để bàn xem tổ chức giỗ như thế nào. Một bà mua phở cho bố và một bà mua bánh cuốn, thịt bò. Đó là những món ông nội tôi thích ăn. Nhưng bảo hôm đó ông không đụng đến quà của hai bà con gái mà: “Nấu cho bố một bát cháo hoa”. Nhà tôi hỏi: “Có bánh, có thịt, có phở, sao ông lại ăn cháo hoa?”. “Hay ông muốn ăn cháo hoa”. Nhà tôi nấu cháo và mang ra cái bàn nhỏ mà ông hay ngồi ăn. Ông rót một chén rượu trắng. Nhà tôi nói: “Sao ông lại uống rượu với cháo? Nếu ông không thích ăn thịt bò thì để con rán cho ông một con cá”. “Không phải rán. Hôm nay ông muốn uống rượu suông. Uống rượu suông là tự rửa bụng mình”. Ông ăn hết bát cháo và uống hết chén rượu trắng. Sau đó ông pha một ấm trà. Bao giờ cũng thế, ông pha trà rất cẩn thận. Ông dội nước sôi vào cái ấm chuyên màu gan gà, để một lúc cho nóng ấm rồi mới rót nước sôi ra 6 cái chén. Sau đó ông cho một nhúm trà vào ấm, đổ nước sôi vào rồi rót ra ngay để rửa trà. Rửa trà xong ông mới rót nước sôi 2/3 ấm, đậy nắp ấm trà lại, phủ một miếng dạ lên nắp ấm và dội nước sôi lên để ủ chín trà. Pha trà như thế thì ngon lắm. Ông rót trà ra ba chén, đặt lên bàn thờ mời bà một chén và cho bố tôi một chén. Ông uống hai chén trà rồi gọi tôi đến, rót cho một chén và đưa cho tôi một bọc tiền khá nhiều. “Cháu cầm lấy tiền vì phải lo những việc lớn”. Ông nói như vậy rồi lên giường nằm ngủ và mãi không dậy nữa. Ông tôi đi nhẹ như ông tiên về trời”. 

 (Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

 

 

 

PHƯƠNG TIỆN

KHÁM PHÁ

VĂN HÓA

CÔNG NGHỆ

QUÂN SỰ

SỨC KHỎE

Món ngon Hải Phòng

I. BÁNH ĐA CUA 1. Cô Yến – 2B Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng) 30k 2. Bánh đa cua- 48 Lạch Tray, Ngô Quyền, HP (16-2h đêm) 30k 3. Bánh đa cua – Đầu ngõ 195 Cầu Đất, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng)

Bún đỏ ở Hà Nội

Món bún đặc sản của Đăk Lăk được đưa về Hà Nội cho thực khách muốn đổi vị. Màu bắt mắt của bát bún đỏ có thể kích thích sự tò mò của những ai chưa từng thử món này. Người Hà Nội đã quen với bún riêu có màu

Doping là gì?

Thời gian gần đây, rất nhiều người hâm mộ thể thao có sự quan tâm rất nhiều đến Doping là gì và băn khoăn thử nghiệm doping là sao, và để trả lời cho câu hỏi đó các bạn hãy cùng tham khảo bài viết này nhé. Bạn đã nghe