[post-views]

Đánh giá:
5/5

Vô minh trong Phật giáo có ý nghĩa gì?
Trong quá trình tìm hiểu, học tập hay thực hành Phật giáo, chúng ta thường xuyên bắt gặp từ “vô minh“. Nhưng vô minh là gì? Và ý nghĩa của nó có phải là sự thiếu hụt kiến thức thông thường như chúng ta thường nghĩ?

Vô minh là gì?
Vô minh (tiếng Phạn: avidyā, Pali: avijjā, Tây Tạng: marigpa) trong Phật giáo thường được dịch là “thiếu hiểu biết”. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết ở đây không phải là không có học thức hay không biết nhiều thứ, mà là quan niệm sai lầm về bản chất của thực tại.Vô minh là nguồn gốc của đau khổ (dukkha), nguyên nhân dẫn đến tham ái, hận thù của con người. Do đó, “sự thiếu hiểu biết” ở đây là sự thiếu hiểu biết tinh tế về bản chất thật của thế giới hiện tượng. Nó cũng có thể được định nghĩa là không hiểu ý nghĩa đầy đủ của Tứ Diệu Đế.

Vô minh được xác định trong các giáo lý của Phật giáo sau:

Tứ Diệu Đế

Liên kết đầu tiên trong mười hai liên kết của

Duyên khởi

Một trong ba chất độc trong Phật giáo Đại Thừa

Một trong sáu kiết sử (kleshas) trong giáo lý Đại Thừa Abhidharma (A-tỳ-đàm, Vi diệu pháp)

Một trong mười kiết sử trong giáo lý Phật giáo Nguyên Thủy, tương đương với moha (ảo tưởng, mờ nhạt)

Vô minh được giải thích theo những cách khác nhau, ở những mức độ khác nhau trong các giáo lý hoặc truyền thống Phật giáo khác nhau. Trên mức cơ bản nhất, đó là sự thiếu hiểu biết hoặc quan niệm sai lầm về bản chất thật của sự tồn tại.

Cụ thể hơn là “Tứ Diệu Đế” và các học thuyết về “Vô thường, Vô ngã hay Tánh không”. Trong Phật giáo và các triết lý Ấn Độ khác, thì vô minh thường được dịch là “sự thiếu hiểu biết”, nhưng đối với Alex Wayman (nhà nghiên cứu Phật giáo / 1921 – 2004) thì ý nghĩa này chưa đầy đủ và ông gợi ý cụm từ “thiếu sáng suốt” như một biểu hiện tốt hơn.

Ý nghĩa của vô minh trong Phật giáo
Vô minh xuất hiện như một mục thảo luận chính trong hai học thuyết về bản chất của thực tại, trong các truyền thống Phật giáo khác nhau. Một liên quan đến học thuyết vô ngã (Anatta), đó là sự thiếu hiểu biết hoặc quan niệm sai lầm về “bản ngã”. Điều thứ hai liên quan đến học thuyết vô thường (Anicca), đó là sự thiếu hiểu biết hoặc quan niệm sai lầm về “sự vĩnh cửu”, khi bản chất thật của thực tại là thay đổi liên tục.

Thông thường, chúng ta chỉ tin những gì chúng ta cảm nhận được thông qua 5 giác quan vật lý, một bằng chứng khoa học thực tế và logic. Nên chúng ta có quan niệm sai lầm về những thứ nằm ngoài dữ liệu kinh nghiệm của mình, từ đó đưa ra những quyết định không chính xác.

Ví dụ, một con cá không nhìn thấy cái móc câu ẩn sau miếng mồi ngon, nên nó thường gặp rắc rối khi đưa ra quyết định. Nếu nó nhìn thấy toàn bộ hình ảnh, nó có thể nhận ra rằng, có cái gì đó sai trái và không cố gắng để lấy miếng mồi này.

Giống như con cá trong ví dụ trên, chúng ta nhìn thấy những khoái lạc trong cuộc sống thông qua sự hiểu biết giới hạn, và do đó, chúng ta cố gắng sở hữu chúng bằng mọi cách kể cả những hành động tiêu cực. Góc nhìn giới hạn này ngăn cản chúng ta nhận ra bản chất thật của những khoái cảm đó chỉ là tạm thời và không có bản chất.

Đức Phật là người nhìn thấy toàn cảnh, Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy bức tranh lớn đó và giải thích lý do tại sao chúng ta nên tin vào nó.

Trong Phật giáo nguyên thủy

Bhikkhu Bodhi nói rằng, vô minh là một phần quan trọng của giáo lý nguyên thủy, nó giúp hiểu rõ về sự phụ thuộc phát sinh những điều kiện duy trì chu kỳ sinh tử. Một trong những điều kiện đó là nghiệp phát sinh từ vô minh. Nói cách khác, vô minh che giấu “nhận thức về bản chất thật của sự vật cũng giống như đục thủy tinh thể che đậy sự nhận thức về các vật thể nhìn thấy được”.

Trong văn bản Suttanta Pitaka, sự thiếu hiểu biết này đề cập đến việc không hiểu rõ ý nghĩa thật sự của Tứ diệu đế. Trong văn bản Abhidharma, ngoài Tứ diệu đế, đó là sự thiếu hiểu biết về “quá khứ trước khi chết của một người”, “cuộc sống sau khi chết” và sự phát sinh phụ thuộc.

Vô minh được xác định là liên kết đầu tiên trong mười hai liên kết (12 nidanas) mô tả tại sao một thân thể được hình thành và vẫn còn bị ràng buộc trong vòng luân hồi, một chu kỳ sinh tử lặp đi lặp lại vô tận.

Trong Phật giáo Đại Thừa

Truyền thống Đại Thừa coi sự thiếu hiểu biết về bản chất thực tại và quá khứ đời trước là một lực lượng nguyên sơ, chỉ có thể được phá vỡ thông qua cái nhìn sâu sắc về Tánh không (Sunyata).

Vô minh là tạp chất lớn nhất và nguyên nhân chính của đau khổ, dẫn đến việc một người phải tái sinh vô tận trong vòng luân hồi. Cái nhìn sâu sắc vào Tánh không (tất cả mọi thứ điều trống rỗng, không có bản chất) sẽ mang lại sự tỉnh thức đầy đủ.

Chúng ta thiếu trí huệ để hiểu rõ về bản chất thật của sự tồn tại, chúng ta tưởng mọi thứ trên thế giới này là vững chắc và chân thật. Từ đó không hiểu rõ về luật nhân quả, các phản ứng nghiệp và sự phụ thuộc lẫn nhau, điều đó dẫn đến một mối quan hệ không phù hợp giữa chúng ta và thế giới này.

Trong Phật giáo Kim Cương Thừa

Truyền thống Kim Cương Thừa coi vô minh là cạm bẫy trói buộc một người vào vòng luân hồi. Giáo lý của Phật giáo Mật Tông tập trung vào việc thực hành con đường bí truyền (Tantric) dưới sự hướng dẫn của một giáo viên, để loại bỏ vô minh và đạt được giải thoát trong một đời duy nhất.

Cách loại bỏ vô minh
Vô minh hay thiếu hiểu biết có thể được loại bỏ bằng cách nuôi dưỡng trạng thái ngược lại với nó. Đó là sự khôn ngoan và nhận thức sâu sắc về bản chất thật của thực tại.

Đức Phật so sánh vô minh với bóng tối, và cách duy nhất để thoát khỏi bóng tối là mang lại ánh sáng. Tương tự như vậy, Đức Phật đã giải thích, sự thiếu hiểu biết chỉ có thể được loại bỏ thông qua việc tập luyện cho sự khôn ngoan.

Không có vấn đề gì khác, muốn thoát khỏi vô minh, chúng ta phải tu luyện trí huệ bằng cách học và thực hành Pháp. Thứ nhất, chúng ta nuôi dưỡng sự khôn ngoan để phân biệt hành vi đạo đức và vô đạo đức, sau đó hiểu được bản chất thật của thế gian, tức là vô thường, vô ngã và đau khổ.

Ngay cả khi chúng ta được giảng về nó hay hiểu nó thông qua các kinh điển thì cũng không dễ dàng để loại bỏ vô minh. Bởi vì tâm trí chúng ta đã bị bao phủ bởi những tạp chất đã tích luỹ từ một sự khởi đầu không thể tránh khỏi.

Do đó, chúng ta cần phải hiểu được “bản chất thực sự của thế giới phức tạp này” thông qua sự trải nghiệm cá nhân trên con đường thực hành Bát Chánh Đạo.

Linh Tâm

Vô minh là không sáng, là mê lầm. Ngay nơi cuộc sống này, mà không biết cái nào là giả dối, không nhận ra cái nào là chân thật, là vô minh.

Giả không biết, thật không hay, quả tang là kẻ mê lầm. Đức Phật biết rõ những cái nào là giả dối, nhận chân cái chân thật, nên gọi là Người Giác Ngộ. Được giác ngộ thì không còn vô minh, nên giải thoát sanh tử, đồng thời cũng có đầy đủ mọi diệu dụng mà người đời không thể biết hết, nên nói “giải thoát bất tư nghì”. Thế là, Ngài đã đạt được bản hoài trước khi phát nguyện đi tu. Cũng chính là cái thành quả viên mãn của bao nhiêu năm Ngài khổ công đeo đuổi.

Vô minh là cái gì? Vô minh là mê lầm, là không sáng. Tại sao nói mê lầm, không sáng? Tức là hiện tại cái giả không biết, cái thật không hay, đó là mê lầm.

Như quý vị ra ngoài chợ thấy bán hai, ba món đồ bằng kim khí, trong đó có đồ thật, đồ giả. Bây giờ mình nhìn không biết cái nào giả, cái nào thật. Mình mua cái giả mà tưởng cái thật, về nhà người ta nói chị mua lầm rồi. Lầm là không phân biệt được giả thật. Giả không biết, thật không hay đó là lầm.

Cũng vậy, khi mình ngủ mơ mơ màng màng bỗng nghe có tiếng gọi tên mình. Mình trỗi dậy mà không biết tiếng kêu đó là tiếng kêu trong mộng hay tiếng kêu lúc mình thức, rồi cứ mơ màng không biết tiếng đó là thực hay hư thì đó gọi là trong cơn mơ. Trong cơn mơ nên không biết nó là thực hay hư. Nếu tỉnh thì mình biết tiếng kêu đó là thực hay hư. Không biết thực hư là vì lúc đó mình đang mơ mơ, đó là mê.

Quý vị đang mê hay là ngộ? Nếu người nào ở trong chúng này, khi ra đường bị người ta chửi: cái cô này thật là mê ghê! Mặt mày coi sáng sủa vậy mà nói mê cái gì. Sự thật chúng ta có mê không? Điều đó tôi xin nói thật kỹ cho quý vị thấy.

Chỗ này là chỗ phải giảng rất nhiều nhưng mà đây chỉ nói đơn giản một vài câu thôi. Như chúng ta hiện giờ ai cũng nghĩ thân mình là thật. Thân tôi là thật, bây giờ có người nói thân này là giả, quý vị có dễ dàng chấp nhận không? Mình thấy nó thật một trăm phần trăm mà người khác nói giả làm sao mình chịu. Ngay như thân này mình thấy nó thật, bây giờ phân tích ra thì nó là thật hay là giả? Nếu chia chẻ thân này ra thì thấy bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Cái gì ướt thì thuộc về nước, cái gì cứng thuộc về đất, cái gì động thuộc về gió, cái gì ấm thuộc về lửa. Trong bốn cái đó quý vị thấy có thiếu được cái nào không?

Thí dụ như tay chúng ta bình thường khô ráo thì da nó cứng, ngâm nước lâu thì nó mềm. Tại sao vậy? Nếu da này không phải là đất thì ngâm nước nó đâu có mềm. Nhưng đất gặp trời nắng nó cứng, mà mưa xuống một đám thì nó mềm. Tại sao đây? – Đất gặp nắng thì cứng, gặp mưa thì mềm. Da tay da chân chúng ta cũng vậy, nếu để nắng thì thấy nó cứng nó chắc, mà ngâm nước chừng một giờ hay nửa giờ thì nó mềm. Nhất là chúng tôi trên núi làm đá, bữa nào lăn đá hay moi đá mà gặp trời mưa thì một lát da tay bị ra máu, bữa nào trời nắng thì không bị ra máu. Dễ biết quá phải không? Bị mưa nên nó ướt, ướt nên nó mềm, mềm cạ vào đá một hồi thì nó ra máu. Còn nắng thì nó khô, khô nên nó chắc nó không bị ra máu dễ dàng. Do đó mình biết rõ da thịt chúng ta là chất cứng, là đất cho nên khi nào gặp nước thì nó mềm chớ không có gì lạ hết.

Hiện giờ chúng ta đã lầm lẫn cái giả mà cho là thật. Do đó chúng ta sống trong vô minh. Mà sống trong vô minh thì tự nhiên chúng ta đi trong luân hồi không làm sao thoát được.
Hiện giờ chúng ta đã lầm lẫn cái giả mà cho là thật. Do đó chúng ta sống trong vô minh. Mà sống trong vô minh thì tự nhiên chúng ta đi trong luân hồi không làm sao thoát được.
Rồi sang tới nước, quý vị ngồi một hồi mồ hôi tuôn ra, cái đó không phải nước là gì? Như vậy thì ở ngay thân này đức Phật nói do tứ đại hòa hợp lại mà thành. Mà có phải hòa hợp lại mà thành luôn đâu. Thường thường người ta nói sống phải nhờ tẩm bổ, nhưng sự thật ở đây Phật nói sống phải nhờ vay mượn chớ không phải nhờ tẩm bổ. Vay mượn tức là chúng ta phải mượn từng món ăn bên ngoài đem vào bồi bổ nó thì nó mới sống, không mượn thì nó chết.

Nếu cái gì thật thì cái đó tự nó đã sẵn, không phải nhờ vay mượn. Còn nếu vay mượn thì nó không phải thật. Quý vị chịu nguyên tắc đó không? Cái gì tạm mượn rồi trả thì cái đó không phải thật, còn cái thật là cái sẵn có, tự nó như vậy.

Lỗ mũi chúng ta thử đừng thèm mượn gió chừng mười lăm phút coi, nó còn hay là nó ngã ra chết? Còn thở thì gọi là còn sống, phút giây nào không thở được thì phút giây đó chết? Như vậy mượn mới sống, không mượn là chết thì thật ở chỗ nào? Tới nước cũng vậy, mượn nó thì còn, không mượn chừng vài ba ngày thì cũng chết khô. Rồi đất cũng vậy, ăn uống những chất cứng vào bồi bổ đất. Nói tóm lại chúng ta sống bằng vay mượn đất, nước, gió, lửa bên ngoài mỗi ngày, chớ không phải tự nó có một cuộc sống thật. Sống bằng vay mượn thì gọi là sống giả, vậy mà chúng ta nói nó thật.

Thấy cái giả mà cho là thật thì gọi là lầm. Cho nên nhà Phật gọi là thấy điên đảo. Thấy đảo lộn từ cái này thấy ra cái kia, từ cái giả mà tưởng là thật gọi là thấy mê lầm, thấy điên đảo.

Chúng ta hiện giờ đều sống trong vô minh. Bởi nhận cái giả làm thật nên chúng ta luôn luôn chạy theo cái giả. Cái giả là cái lưu chuyển không cùng, cứ sanh diệt đổi thay luôn luôn cho nên đi trong luân hồi.

Như vậy chúng ta phải hiểu rõ hiện giờ mình đang sống lầm lẫn. Cái lầm lẫn đó một dịp khác tôi sẽ giải thích hết sức kỹ trong những bài giảng khác cho quý vị thấy sự lầm lẫn về thân, về tâm này như thế nào?

Hiện giờ chúng ta đã lầm lẫn cái giả mà cho là thật. Do đó chúng ta sống trong vô minh. Mà sống trong vô minh thì tự nhiên chúng ta đi trong luân hồi không làm sao thoát được.

Vì vậy, muốn thoát ly sanh tử luân hồi chúng ta phải giác ngộ. Mà giác ngộ là thấy rõ manh mối của mê lầm; xưa chúng ta lầm, bây giờ chúng ta không còn lầm nữa. Không lầm nữa là chúng ta giác ngộ hay là có trí tuệ. Trí tuệ thì ngược lại vô minh. Vô minh cũng như là đêm tối mà trí tuệ cũng như mặt trăng, mặt trời sáng. Có mặt trăng, có mặt trời thì không có tối, hay ngược lại có tối thì không có mặt trăng, mặt trời. Hai cái đó nó ngược nhau. Nếu giác ngộ thì không có vô minh, mà vô minh thì dẫn chúng ta đi trong sanh tử; giác ngộ thì thoát ly sanh tử. Đó là hai cái hết sức rõ.

Khi đức Phật đã giác ngộ Ngài có bao nhiêu thứ diệu dụng không thể kể hết, nào là ngũ nhãn, lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng… Nói chung một danh từ là giải thoát bất tư nghì, tức là không thể nghĩ bàn. Nghĩa là đem trí phàm phu của chúng ta bàn xét không hết được.

Trích Chìa khóa học Phật – HT Thích Thanh Từ

 

 

 

 

PHƯƠNG TIỆN

KHÁM PHÁ

VĂN HÓA

CÔNG NGHỆ

QUÂN SỰ

SỨC KHỎE

Món ngon Hải Phòng

I. BÁNH ĐA CUA 1. Cô Yến – 2B Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng) 30k 2. Bánh đa cua- 48 Lạch Tray, Ngô Quyền, HP (16-2h đêm) 30k 3. Bánh đa cua – Đầu ngõ 195 Cầu Đất, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng)

Bún đỏ ở Hà Nội

Món bún đặc sản của Đăk Lăk được đưa về Hà Nội cho thực khách muốn đổi vị. Màu bắt mắt của bát bún đỏ có thể kích thích sự tò mò của những ai chưa từng thử món này. Người Hà Nội đã quen với bún riêu có màu

Doping là gì?

Thời gian gần đây, rất nhiều người hâm mộ thể thao có sự quan tâm rất nhiều đến Doping là gì và băn khoăn thử nghiệm doping là sao, và để trả lời cho câu hỏi đó các bạn hãy cùng tham khảo bài viết này nhé. Bạn đã nghe