[post-views]

Đánh giá:
5/5

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nước ta tính từ thời phục hưng – độc lập, từ khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi tới khi nhà Lý dời đô về Thăng Long. Là kinh đô nên nơi đây cũng có bộ 4 vị thần đóng vai trò Tứ trấn, trấn giữ 4 phương của kinh thành. Không có tư liệu nào cho biết chính xác phương vị của Tứ trấn Hoa Lư, nhưng khi xét từng vị một sẽ thấy cần xoay lại phương vị này một góc 90 độ ngược chiều kim đồng hồ so với quan niệm hiên nay.
Hoa Lư nằm phía Nam của thành Thăng Long nên ở 2 phương vị Bắc và Nam, tứ trấn Hoa Lư trùng với tứ trấn Thăng Long.

Trấn Bắc – Thiên Tôn: Thiên Tôn là cách gọi khác của Huyền Thiên đại thánh mà thôi vì Lão Tử trong Đạo Giáo là Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn. Thiên Tôn – Huyền Thiên phải là vị thần trấn Bắc, không thể là trấn Đông như quan niệm hiện tại ở Hoa Lư.
Công nghiệp của vị Thiên Tôn ở Hoa Lư trùng khớp với Huyền Thiên ở Cổ Loa, với thành tích chủ yếu là giúp Thục An Dương Vương xây thành. Nơi thờ chính là ở thôn Đa Giá (Ninh Mỹ, Hoa Lư). Tại đây có động Thiên Tôn và đền Đa Giá thờ thần. Ngọn núi nơi có động Thiên Tôn cũng được gọi là núi Vũ Đương Sơn, tức là ngọn núi mà Huyền Thiên đã tu hành trong truyền thuyết.
Động Thiên Tôn là một di tích rất cổ, là tiền đồn cửa ngõ của Hoa Lư. Ở đây tìm thấy cả những viên gạch Giang Tây quân (thời Đường) và Đại Việt quốc quân thành chuyên (thời Đại Việt) như dưới nền thành Hoa Lư. Phía trên động có một chùa nhỏ, nhưng không thờ Phật, mà thờ Tam Thanh (của Đạo Giáo) cùng với Quan Âm Diệu Thiện và cha mẹ của bà là Trang Vương và hoàng hậu. Chùa này cùng với động Thiên Tôn tương truyền do Cao Biền xây.
Tại sao Hoa Lư lại lấy thần Thiên Tôn làm thần trấn giữ cửa ngõ kinh thành? Nếu Cổ Loa là nơi Huyền Thiên – Lão Tử thành nghiệp, thì Ninh Bình rất có thể chính là quê hương, nơi sinh của Lão Tử – Thiên Tôn. Đó là lý do vì sao thần Thiên Tôn lại rất gắn bó với Hoa Lư.

Mảnh gạch có chữ Đại Việt ở động Thiên Tôn.

Trấn Đông – Quý Minh: Hiện tại vị thần này đang được cho là thần trấn Nam của Hoa Lư. Đền thờ chính của thần là đền Trần trong quần thể di tích danh thắng Tràng An. Trần là chữ ghép Đông A, chỉ vị thần trấn Đông.
Vì ở Hoa Lư có cả thần Cao Sơn và Quý Minh nên nhiều tác giả đã nhầm lẫn khi cho rằng đây là 2 người anh em của Tản Viên Sơn Thánh. Ở núi Ba Vì đúng là có bộ ba Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh, nhưng đó đều là các thần núi. Thần Quý Minh ở Hoa Lư lại là một vị thủy thần. Lễ hội Tràng An đặc trưng bởi tiết mục đua thuyền rồng, thể hiện rõ điểm này.
Trong đền Trần Tràng An còn có tượng thờ Quý Nương, là mẹ của Quý Minh. Đây cũng là điểm để phân biệt với thần Quý Minh trong Ba Vì. Quý Nương hay nàng Ba (trong thứ tự Mạnh, Trọng, Quý) là mẹ của vua cha Bát Hải Động Đình, vị thủy thần của biển Đông đánh Thục 4000 năm trước. Quý Minh tức là vị Quan thứ Ba hay Quan lớn đệ Tam Thoải phủ, là anh em cùng bọc trứng với vua cha Bát Hải. Vua cha Bát Hải như đã nói trong bài về Tứ phủ là Lạc Long Quân.
Quan lớn đệ Tam là người đứng đầu (Trưởng Lệnh) thủy binh của Lạc Long Quân, đứng đầu Ngũ vị tôn quan của ban Công đồng trong Tứ phủ. Nơi đóng quân và nơi hóa của vị này là ở Yên Lệnh (nơi an nghỉ của Trưởng Lệnh) hay ở đền Lảnh (Duy Tiên, Hà Nam). Phạm vị phía Đông Hoa Lư thuộc về khu vực hoạt động của Quan đệ Tam. Do đó Hoa Lư lấy Quý Minh làm thần trấn Đông là hợp lý.

Trấn Nam – Cao Sơn: Trong bài về Thăng Long Tứ trấn đã bàn nhiều tới nhân vật trấn Nam Cao Sơn và xác định đó là Cao Biền, thầy phong thủy nổi tiếng thời Đường. Cao Biền không chỉ là người xây thành Đại La mà còn là người xây thành cả Hoa Lư. Những viên gạch Giang Tây quâncủa Tĩnh Hải Tiết độ sứ Cao Biền xác thực việc này. Ngay chi tiết tiền đồn của Hoa Lư là động Thiên Tôn do Cao Biền xây cũng là dẫn chứng khác về đóng góp của Cao Biền với thành Hoa Lư. Cao Biền đánh giặc Nam Chiếu, tiến tới sào huyệt khởi nguồn của Nam Chiếu ở Nghệ Tĩnh, cho sửa chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Đó là vì sao ở động Thiên Tôn lại có di tích của Cao Biền dựng để thờ Quan Âm Diệu Thiện và Trang Vương (là 2 người thờ ở chùa Hương Tích – Hà Tĩnh).
Trấn Nam của Hoa Lư do đó là thần Cao Sơn hay Cao Biền – Cao Hiển. Một trong những nơi thờ  Cao Sơn là chùa Bái Đính cũ.
Theo bia ở đền Kim Liên thì nơi các vị tướng của Lê Tương Dực gặp đền Cao Sơn trong rừng là ở huyện Phụng Hóa, thuộc Nho Quan hoặc Tràng An, chưa rõ chính xác nơi nào.


Ban thờ vợ Cao Hiển ở đình Đại Bạch Mai.

Khảo cứu thêm, tại sao trấn Nam Cao Sơn đại vương lại là Cao Biền. Đền Kim Liên, nơi thờ chính của thần Trấn Nam Thăng Long Cao Sơn có tấm bia đá cổ được vớt ở bến Bồ Đề về kể lại sự việc thần hiển linh giúp Lê Tương Dực dẹp loạn lên ngôi. Hội đền Kim Liên khi tổ chức vào ngày 15-16/3 Âm lịch hàng năm đều có nơi là Bạch Mai, Phương Liệt và Quỳnh Lôi rước kiệu đến, chứng tỏ những nơi này thờ cùng một vị thần với đền Kim Liên. Tuy nhiên, đình Đại, nơi cũng thờ Trấn Nam Cao Sơn đại vương ở Bạch Mai, lại có thần tích chép đó là Cao Hiển, người Bắc quốc…
Câu đối ở đình Đại Bạch Mai:
凌雲彩筆星斗動文光飄然身上僊宮出世名留前北史
浮水石碑古今傳異事獨是匡扶帝統平胡功在我南邦
Lăng vân thái bút tinh đẩu động văn quang, phiêu nhiên thân thượng tiên cung, xuất thế danh lưu tiền Bắc sử
Phù thủy thạch bi cổ kim truyền dị sự, độc thị khuông phù đế thống, bình Hồ công tại ngã Nam bang.
Dịch:
Bút sáng tỏa mây, sao Đẩu động ánh văn, thân nhẹ bay lên cung tiên, xuất thế danh lưu sử Bắc trước
Bia đá dạt sông, xưa nay truyền sự lạ, một tay phù trợ triều đế, dẹp Hồ công ở nước Nam ta.
Vế đối đầu nói ca ngợi văn tài của Cao Hiển khi đỗ đạt ở Bắc quốc. Vế đối sau đề cập rất rõ chuyện bia đá trôi sông được vớt lên, và chuyện phù trợ Lê Tương Dực lên ngôi. Tức là khẳng định Cao Hiển ở đình Đại cũng chính là Cao Sơn đại vương của đền Kim Liên. Cũng là người đã đánh giặp giặc Hồ ở nước Nam.
Hoành trướng ở đình Đại: Lưỡng quốc phong vương hiệu, chỉ ra rằng Cao Sơn đại vương là người Bắc được phong thần ở nước Nam. Đình Đại Bạch Mai còn thờ cả vợ ông Cao Hiển, cũng như đình Phương Liệt thờ bà Đàm Hoa là vợ Cao Sơn.


Hoành trướng Lưỡng quốc phong vương hiệu ở đình Đại Bạch Mai.

Việc liên hệ Cao Hiển với Cao Biền không phải chỉ bây giờ mới có. Trong Hải Dương địa dư, tổng đốc Hải Dương thời Nguyễn là Phan Tam Tinh đã nhận xét về đền thần Cao Vương ở Hải Dương như sau:
Nay khảo xem quan chế đời Tống không thấy có chức Đại thừa tướng, quan danh sử truyện cũng không có bề tôi nào họ Cao tên Hiển cả. Vả, Khánh Lịch ngang với đời vua Lý Thái Tông, Cao Vương có công với nhà Tống thì nhà Tống thờ là đáng, cớ chi lập miếu thờ lại sang cả nước ta? Duy Cao Biền nhà Đường là Quận vương Bột Hải, từng sang làm Tiết độ sứ [nước ta], hoặc trước kia tướng tá có lập đền thờ, rồi dân sở tại nhân đấy mà thờ, cứ thế truyền sai đi mà thôi.

Trấn Tây – Không Lộ thiền sư: Như vậy vị trí còn lại là trấn Tây phải dành cho Không Lộ thiền sư. Ở Hoa Lư vị này được chép là Nguyễn Minh Không, quê ở Đàm Xá (Gia Viễn, Ninh Bình). Nay ở Đàm Xá còn đền thờ thánh Nguyễn khá đẹp. Nguyễn Minh Không có công chữa bệnh cho vua Lý nên được phong là Lý triều quốc sư… Tuy nhiên, thân thế sự nghiệp của vị quốc sư này còn rất nhiều điều chưa sáng tỏ.
Một trong những nơi thờ chính của Không Lộ thiền sư là chùa Keo tại làng Hành Thiện (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định). Ở đây sự tích của vị thiền sư này lại bị lẫn lộn với vị Dương Không Lộ, cũng là thiền sư nhưng quê ở Thái Bình.
Cũng tại Hành Thiện còn có ghi chép cho rằng Không Lộ thiền sư là đạo sĩ Thông Huyền trong câu chuyện hai vị Giác Hải và Thông Huyền hạ tắc kè thời Lý Nhân Tông. Vua lấy đó làm lạ, làm một bài thơ khen:
Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo lại huyền
Thần thông cùng biến hóa
Một Phật, một thần tiên.
Nếu Giác Hải là tu Phật thì Thông Huyền là một đạo sĩ (“thần tiên”). Mà bản thân Không Lộ thiền sư có lẽ không hẳn là người tu Phật hoặc tu theo dòng Mật tông, chứ không phải Thiền tông. Với những gì ông làm như đi trên không, có phép rút đất, chữa bệnh cho vua… thì có vẻ ông là một pháp sư (thầy phù thủy) hơn là một tăng sĩ của đạo Phật. Việc đặt Không Lộ thiền sư vào một trong Tứ trấn Hoa Lư cũng cho thấy ông là một pháp sư, giỏi nghề trấn yểm.

Hoành phi Đại pháp sư ở trước cung cấm chùa Keo Hành Thiện.

Bia đá tại chùa Keo Hành Thiện ghi rõ: ”Thần Quang tự Đại pháp sư bi”. Tức là gọi Không Lộ là Đại pháp sư. Hoành phi trong chùa cũng ghi vậy. Đôi câu đối về Không Lộ thiền sư ở chùa Keo Hành Thiện:
幽秘會三玄地可縮天可升靈跡渺茫四器併隨雷雨化
神通超六智水衣濡火衣熱塵寰遊戱百針特為帝王醫
U bí hội tam huyền, địa khả súc, thiên khả thăng, linh tích diểu mang, tứ khí tinh tùy lôi vũ hóa
Thần thông siêu lục trí, thủy bất nhu hỏa bất nhiệt, trần hoàn du hí, bách châm đặc vị đế vương y.
Dịch:
Thâm bí đủ tam huyền, phép rút đất, phép bay không, tích thiêng mênh mông, bốn vật hội theo mưa sấm hóa
Thần thông vượt lục trí, nước không chìm, lửa không nóng, cõi trần dạo chơi, trăm kim chuyên chữa bệnh đế vương.

Một mảng chạm bên nóc mái ngoài cung cấm chùa Keo Hành Thiện.

Còn một liên hệ khác, đó là chuyện Pháp sư diệt Mộc tinh được nói tới trong Lĩnh Nam chích quái. Truyện Mộc tinh có đoạn cuối như sau:
…Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Văn Du Tường vốn người phương bắc, đức hạnh thanh cao, đã từng đi qua nhiều nước, biết được tiếng các dân man, học được thuật làm nanh vàng và răng đồng, năm hơn 80 tuổi sang nước Nam ta. Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư bèn dạy cho nghề tạp kỹ để làm trò vui cho thần Xương Cuồng xem mà giết y. Đoàn tạp kỹ này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Hiểm, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Câu. Hàng năm tới tháng 11 lại dựng lầu Phi Vân cao 20 thước, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây chão dài 136 thước, đường kính rộng 2 tấc, lấy mây mà quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, giữa gác lên cây. Thượng Kỵ đứng lên trên dây mà chạy nhanh 3,4 lần, đi đi lại lại mà không ngã. Kỵ đầu đội khăn đen, mình mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba. Can hai tay cầm hai cán cờ. Hai người đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì lại tránh, lên xuống mà không ngã. Khi thì Thượng Đát lấy một tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên trên cây cao 17 thước 3 tấc, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 cái, tiến tiến lùi lùi điên đảo. Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng hình như cái lờ bắt cá, dài 5 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà lăn. Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, la hét kêu gào, chuyển động chân tay, vỗ đùi vỗ bụng, tiến lùi lên xuống, hoặc cưỡi ngựa bôn tẩu, cúi mình xuống lấy vật ở dưới đất mà không ngã. Khi thì Thượng Hiểm ngả mình nằm ngửa lấy thân đỡ một cái gậy dài rồi cho đứa trẻ trèo lên mà không rớt xuống. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Lại giết súc vật mà tế. Thần Xương Cuồng tới, thấy thế bèn đến xem, pháp sư đọc mật chú rồi lấy kiếm mà chém. Thần Xương Cuồng cùng bộ hạ đều chết hết, không thể trở lại thành yêu nữa. Lệ tiến lễ hàng năm bèn bỏ, dân lại sống yên lành như xưa.
Cái tên pháp sư Văn Du Tường nếu so ra với Dương Không Lộ thì rất gần nhau. Tường – Dương. Văn Du hay Vân Du, cùng nghĩa với Không Lộ. Như đã biết, thời Đinh của nước ta chính là thời kỳ đầu của nhà Lý. Vì thế nói pháp sư thời Đinh thì cũng là Lý pháp sư hay Lý triều quốc sư.
Không Lộ ở Ninh Bình còn được gọi là ông Khổng Lồ, là người có những sự tích kỳ lạ như gánh núi, bắt cá… Nay nếu ông Khổng Lổ có thêm “chặt cây”, diệt Mộc tinh thì cũng là tương đồng.
Đặc biệt hơn nữa, trong văn hóa dân gian còn bảo lưu được tục diễn trò rối đầu gỗ ở khu vực Nam Định. Trò này còn gọi là trò Ổi Lỗi mà trung tâm là 6 đầu rối bằng gỗ, gọi là các thánh tượng, được diễn với nghi thức thờ thánh, tức là thờ các vị “pháp sư” Từ Đạo Hạnh và Không Lộ. 6 “thánh tượng” này do đó rất giống với 6 vị đoàn tạp kỹ biểu diễn của pháp sư Văn Du Tường là: Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Hiểm, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Câu. Thánh tượng đọc thiết âm là Thượng. Như thế 6 nhân vật tham gia diễn trò trừ thần Xương Cuống là 6 thánh tượng Kỵ, Can, Hiếm, Đát, Toái, Câu. Sự tích pháp sư trừ thần Xương Cuồng hóa ra thuộc về Không Lộ thiền sư.

Mảng chạm những đầu người đầy thần bí ở chùa Keo Hành Thiện.

Để kết thúc khảo cứu tổng hợp về Tứ trấn, xin bàn thêm về vai trò của các pháp sư trong lịch sử. Có thể thấy thời đại nào các pháp sư cũng đóng vai trò quan trọng, tham gia vào chính sự của đất nước. Từ thời Hùng Vương đã có Lão Tử, vị đại giáo chủ của Đạo Giáo, khuyên răn vua Chu trong thời suy mạt. Hoặc chính các quan cai trị đứng đầu một khu vực là các pháp sư hay tu sĩ như trường hợp của Sĩ Nhiếp và Cao Biền. Cho đến như Không Lộ làm quốc sư – đại pháp sư cho triều Đinh – Lý hẳn cũng đã góp công đáng kể vào việc kiến thiết nước Đại Việt lúc ban đầu với những việc như chữa bệnh, đúc tứ đại khí An Nam, diệt trừ tà (thần Xương Cuồng)…

Xem thêm

Hoa Lư tứ trấn là khái niệm xuất hiện trong tín ngưỡng dân gian Ninh Bình để chỉ về bốn vị thần trấn giữ các hướng đông tây nam bắc của cố đô Hoa Lư.[1] Bốn vị thần, thánh đó là: Thần Thiên Tôn, Thần Cao Sơn, Thần Quý Minh vàThần Khổng Lồ. Các vị thần này được cho rằng có công giúp đỡ, che chở người dân cố đô Hoa Lư nên được thờ ở rất nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, có vai trò bổ sung tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần[2] và được gọi là không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn.

Quá trình hình thành

Trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện ở khu vực quần thể di sản thế giới Tràng An đã khẳng định có một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Tràng An, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm. Và ở thế kỷ 10 ở thung lũng mở Tràng An được người dân nước Việt thêm một lần nữa tận dụng xây dựng kinh đô Hoa Lư, đắp thành, khép kín thung lũng Tràng An để phục hưng văn hóa, làm tiền đề hun đúc nên nền Văn minh Đại Việt nở rộ ở Thăng Long- Hà Nội.[3]

Trải qua hàng chục nghìn năm sống dựa vào sự che chở của núi rừng, khai thác nguồn thức ăn từ núi rừng loài người ở Tràng An đã chứng kiến nhiều biến đổi về tự nhiên, những hiện tượng lạ từ núi rừng đã gây nên sự ngạc nhiên, kinh ngạc chưa thể giải thích, tiếp tục được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được chắt lọc, được thiêng hóa và được thờ theo tín ngưỡng thờ thần, thờ những nhân vật siêu nhiên nhưng gần gũi với họ, xuất hiện hàng loạt những truyền thuyết về các vị thần núi hóa thân thành những vị tướng giúp dân giữ nước, được thiêng hóa, thánh hóa đặc biệt là các truyền thuyết về Thần Cao Sơn tìm ra cây báng giúp dân khi thiếu đói; Thần Khổng Lồ Nguyễn Minh Không gây dựng vườn thuốc sống Sinh Dược chữa bệnh cứu người, gom đồng đúc chuông dựng nhiều chùa thờ phật, khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông.; Thần Thiên Tôn diệt trừ yêu ma, tà đạo từ Gián Khẩu tớinúi Cánh Diều; thần Quý Minh trấn trạch vùng núi Tràng An.

Kinh đô Hoa Lư xưa có thành đông, thành tây và thành nam. Riêng thành nam (còn gọi là Tràng An) là vùng núi non hiểm hóc là hậu cứ để rút quân. Đinh Tiên Hoàng Đế là người sùng đạo phật, từ thuở bé Vua đã được mẹ cho vào sống ở đền thờ thần Cao Sơn trong động Hoa Lư. Sau này Vua cho xây dựng ở trong kinh đô Hoa Lư nhiều chùa tháp và rất nhiều các ngôi đền để thờ các vị thần, thánh theo tín ngưỡng dân gian như đền thờ thần Quý Minh ở cữa ngõ phía nam, đền thờ thần Cao Sơn ở cửa ngõ phía tây, đền thờ thần Thiên Tôn ở cửa ngõ phía đông đường vào cố đô Hoa Lư. Trải qua các thời kỳ, số lượng đền thờ các vị thần trên đã tăng lên rất nhiều và lan tỏa khắp tỉnh Ninh Bình

Phân bố các di tích thờ 4 vị thần

Ngày nay ở Ninh Bình, tồn tại rất nhiều những ngôi đền thờ 4 vị thần thánh trên tập trung quanh cố đô Hoa Lư theo 4 hướng: đông, tây, nam, bắc như:

Hướng tây – Thần Cao Sơn: Vùng đất Nho Quan – Tam Điệp là cửa ngõ phía tây cố đô Hoa Lư nổi bật với các ngôi đền thờ thần núi Cao Sơn như: đền Láo (Văn Phú, Nho Quan), đền Sơn Thần (Gia Thủy – Nho Quan), đền Cao Sơn (khu núi chùa Bái Đính), đình Hương Thịnh (Phú Lộc, Nho Quan), đền Vô Hốt (Lạc Vân, Nho Quan), Miếu Cao Sơn (Kỳ Phú, Nho Quan), đền Núi Hầu (Yên Thắng – Yên Mô), đền Quèn Thờ (Đông Sơn – Tam Điệp). Một số nơi khác còn thờ Cao Sơn với vai trò là một tướng của Đinh Bộ Lĩnh.

Hướng nam – Thần Quý Minh: Vùng phía tây thành phố Ninh Bình vốn là cửa ngõ phía nam cố đô Hoa Lư, khu vực này có rất nhiều nơi thờ thần Quý Minh như: đền Nội Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư), đền Dưỡng Khê, đền Đô (Ninh Nhất, Tp Ninh Bình), chùa Đẩu Long (Tân Thành, Tp Ninh Bình), đền Hiềm (Phúc Thành Tp Ninh Bình), đền làng Thiện Trạo (Ninh Sơn, Tp Ninh Bình), Đền làng Phúc Trì (Nam Thành, Tp Ninh Bình), đền Miếu Sơn (Ninh Vân, Hoa Lư), đền Quảng Phúc (Yên Phong, Yên Mô), đền Gối Đại (Ninh Hải, Hoa Lư). Một số nơi khác thờ thần Quý Minh nhưng mang dáng dấp các vị đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc của nhà Đinh.

Hướng bắc -Đức Thánh Nguyễn: Vùng đất Gia Viễn nằm ở phía bắc cố đô Hoa Lư là quê gốc đồng thời là nơi có rất nhiều di tích thờ Đức Thánh Nguyễn, dân gian ví ông với Đinh Tiên Hoàng qua câu ca: “Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh”. Những nơi có đền thờ ông tiêu biểu như: đền thờ đức Thánh Nguyễn (Gia Thắng – Gia Tiến, Gia Viễn), đình Ngô Đồng (Gia Phú, Gia Viễn), Khu di tích động Hoa Lư (Gia Hưng, Gia Viễn), đền Thánh Tô và một số di tích khác thì phối thờ ông cùng với các vị thánh khác. Điều đặc biệt ở Gia Viễn là có 2 ngôi chùa ở Gia Viễn có hẳn đền riêng thờ Nguyễn Minh Không với vai trò sáng lập chùa là núichùa Bái Đính và chùa Địch Lộng. Nhiều ngôi chùa khác ở Ninh Bình có thần tích về ông như: chùa Nhất Trụ, động Am Tiên ở cố đô Hoa Lư, chùa Non Nước (Thành phố Ninh Bình) và chùa Lạc Khoái (Gia Lạc, Gia Viễn).

Hướng đông – Thần Thiên Tôn: Ở phía đông huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình có rất nhiều nơi ghi dấu tích, thần tích liên quan đến thần Thiên Tôn như: Động Thiên Tôn (thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư), núi Cánh Diều (Thanh Bình, Ninh Bình), Làng Đại Phong (Nam Bình, Ninh Bình), Đình Hàng Tổng (thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư), Làng Yên Cư (Khánh Cư, Yên Khánh, chùa Phong Phú (Ninh Giang, Hoa Lư), Làng Phú Gia (Ninh Khang, Hoa Lư),…

Thăng Long tứ trấn chỉ 4 ngôi đền còn Hoa Lư tứ trấn chỉ 4 vị thần trấn trạch 4 hướng của kinh thành. Ở Thăng Long có sự tập trung đối tượng suy tôn vào 4 đỉnh là những đền thờ còn không gian văn hóa Hoa Lư thì trải đều trong không gian bao bọc kinh đô với nhiều ngôi đền cùng thờ một vị thần trấn trạch. Các nhà nghiên cứu thống kê được 7 nơi thờ thần Thiên Tôn và rất nhiều nơi thờ các vị thần Quý Minh, thờ thần Cao Sơn và thờ Đức Thánh Nguyễn ở cố đô Hoa Lư.

Hoa Lư tứ trấn cũng có những nét tương đồng với Thăng Long tứ trấn. Đó chính là ở các đối tượng được thờ ở những vùng văn hóa này. Cả hai nơi đều thờ 3 thần + 1 thánh. Thần là tượng trưng cho sức mạnh thiên nhiên, thánh là nhân vật lịch sử có thật với công lao phi thường được nhân dân phong thánh. Cả hai nơi đều thờthần Cao Sơn có nguồn gốc phát tích ở Phụng Hóa (Nho Quan – Ninh Bình). Thần Thiên Tôn và Thần Trấn Vũ là những thiên thần xuất xứ xa xưa từ phương Bắc đến, thần Bạch Mã và thần Quý Minh là những vị thổ thần. Nếu quay vòng hệ thống Hoa Lư tứ trấn một góc 90 ngược chiều kim đồng hồ thì sẽ nhận được sự trùng lặp hình thức tín ngưỡng trên.

Các vị thần

Trấn đông: Thần Thiên Tôn

Tượng thần Thiên Tôn trấn đông Hoa Lư

Thần Thiên Tôn là vị thần trong truyền thuyết ở kinh đô Hoa Lư thế kỷ X Tương truyền, trước khi đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã mang lễ vật vào tế lễ trong động để mong được thần giúp đỡ đánh tan các sứ quân khác. Sau khi lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng Đế đóng đô ở Hoa Lư, ông đã cho xây cất nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi vào kinh đô.

Theo các thần tích đình làng Bích Đào, làng Đại Phong, thì thần Thiên Tôn là vị thiên thần, nguyên là hoàng tử, do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, có thai rồi sinh ra ngài vào ngày mồng 3 tháng 3 năm Khai hoàng thứ 25 (năm 625), gọi là Huyền Nguyên. Lớn lên hoàng tử dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương (Hoa Lư) tu luyện 42 năm, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa, tận trừ tà ma quỷ quái. Ngọc hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân. Sau phóng gươm ở dưới núi Cánh Diều (Ninh Bình) mà hóa. Năm 938, Cao Đô Đường Thái sư xây đền ở cửa động Thiên Tôn, tạc tượng tay chống bảo kiếm, chân đạp lên rùa rắn và ban sắc phong là Trấn Vũ An Quốc đại vương… Đinh Tiên Hoàng khởi nghĩa ở động Hoa Lư được hai tướng Rùa, Rắn của thần giúp sức nên được sắc phong là An Quốc hoàng đế. Ở phía đông cố đô Hoa Lư có 7 nơi thờ thần là Bích Đào, Đại Phong, Yên Cư của huyện Yên Khánh, Lực Giá và Phú Gia của huyện Gia Viễn đều thuộc Ninh Bình.[4]

Như vậy, thần Thiên Tôn, thần Quý Minh cùng với thần Cao Sơn là những vị thần có nguồn gốc phát tích ở vùng văn hóa Hoa Lư. Đều là những vị thần đại diện cho các sức mạnh siêu nhiên của trời, đất và núi được thờ ở các cửa ngõ để bảo vệ kinh đô theo quan niệm của người xưa. Toàn cảnh khu vực động – chùa Thiên Tôn là những kiến trúc cổ kính lẫn trong vườn rộng và nhiều cây ăn quả, cây đại thụ. Động Thiên Tôn gồm có hai hang: Hang Ngoài và hang Trong. Ngay cửa hang Trong có một Long Đĩnh làm toàn bằng đá xung quanh đều chạm khắc nổi rồng mây. Trong toà Long Đĩnh chỉ đặt một tượng Thiên Tôn bằng đồng, đứng trên lưng rùa. Tượng được trang trí nhiều màu sắc rực rỡ. Hai tay thần để trước ngực, nắm trắc đốc kiếm thần, chống mũi kiếm xuống lưng rùa. Vì thế động được gọi là động Thiên Tôn.

Động Thiên Tôn là di tích lịch sử văn hóa thuộc khu di tích cố đô Hoa Lư. Động nằm ở thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư, Ninh Bình, Việt Nam.

Trấn tây: Thần Cao Sơn

Đền thờ thần Cao Sơn ở chùa Bái Đính

Theo như thần phả các đền thờ Cao Sơn ở vùng núi đá phía tây Ninh Bình như: đền Láo ở xã Văn Phú, Nho Quan; đền Núi Hầu (Yên Thắng – Yên Mô); đền Quèn Thờ (Đông Sơn – Tam Điệp); đền Sơn Thần (Gia Thủy – Nho Quan) và đền Cao Sơn (khu núi chùa Bái Đính) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm (tức vùng núi phía tây Ninh Bình ngày nay), con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây làQuang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ[5].

Thần Cao Sơn thờ ở đình Kim Liên – Hà Nội cũng là vị thần trấn Nam Thăng Long tứ trấn, lại là Lạc tướng Vũ Lâm, một trong 50 người con của Lạc Long Quân – Âu Cơ. Thần tích đền này cho biết đền thờ chính của thần Cao Sơn ở huyện Phụng Hóa, nay là đền Láo ở Nho Quan, Ninh Bình.[6] Vị thần này có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy Mục, sau được dân làng Kim Liên rước về thờ và được phong là Cao Sơn đại vương trấn phía Nam kinh thành. Trong tín ngưỡng dân gian có ít nhất bốn vị thần Cao Sơn khác nhau. Tuy nhiên, trong số đó, vị thần Cao Sơn ở Trung Quốc có tên trùng với thần Cao Sơn em Tản Viên, có ông bố Cao Khánh ngụ ở Trường Yên, Hoa Lư tức gần Phụng Hóa (Nho Quan), nơi cũng có đền thờ Cao Sơn.

Hiện nay, một số di tích ở vùng Thanh Trì (Hà Nội) hay đền thôn Tân, Khánh Lợi, Yên Khánh và đền Phúc Trung, xã Ninh Phúc (Ninh Bình) còn thờ Cao Sơn với vai trò là vị tướng của nhà Đinh.

Trấn nam: Thần Quý Minh[sửa | sửa mã nguồn]

Đền thờ thần Quý Minh ở thành Tràng An

Theo truyền thuyết dân gian cố đô Hoa Lư, Đức Thánh Quý Minh Đại Vương là một vị thủy thần, là người có công trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18). Người là một “thượng đẳng thần”, được các nhà vua qua nhiều triều đại ban sắc phong, được nhân dân khắp xứ này thờ phụng. Đền chính được Vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng tại thành Nam (Tràng An) ở cố đô Hoa Lư, sau vua Trần Thái Tông cho xây dựng lại với quy mô như ngày nay.[7] Xung quanh khu vực này còn nhiều đền thờ Quý Minh Đại Vương như: đền Dưỡng Khê, đền Quý Minh Đại Vương, đền Đô ở xã Ninh Nhất, chùa Đẩu Long, đền Hiềm phường Phúc Thành thành phố Ninh Bình Xa hơn là các di tích ở làng Thiện Trạo, xã Ninh Sơn và làng Phúc Trì, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình), đền Miếu Sơn (Ninh Vân, Hoa Lư), đình Sinh Dược, đình Bình Khang (Liên Sơn, Gia Viễn), đình Trung Lận Khê (Khánh Thượng, Yên Mô).

Trên thực tế Cao Sơn, Quý Minh được các thần tích ghi chép lại và được truyền thuyết hoá rất nhiều nơi với những dạng thức khác nhau như được ghi chép dưới dạng thần tích theo kết cấu hoàn chỉnh: sự ra đời, chiến công và hoá thân, cũng có khi họ hiện lên dưới báo mộng, phù trợ giúp các tướng lĩnh đời sau đánh giặc ngoại xâm.

Tại vùng văn hóa Hoa Lư, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều di tích thờ các vị trung thần nhà Đinh như Đinh Điền,Nguyễn Bặc và các tướng khác lại có nội dung đồng nhất với tín ngưỡng thờ thần Quý Minh như đền Hiềm ở Phúc Thành, đình Bình Khang ở Liên Sơn, đền Bim ở cố đô Hoa Lư. Có thể khi nhà Đinh mất ngôi, dưới triều Lê Hoàn các di tích này phải biến tướng để tránh sự xét hỏi của triều đình.

Trấn bắc: Thần Khổng Lồ

Tượng Đức Thánh Nguyễn ở chùa Bái Đính

Khác với các vị thần trên là thành hoàng trấn giữ 3 vòng thành, Đức Thánh Nguyễn lại là danh nhân sinh ra trên quê hương Vua Đinh Tiên Hoàng và có công gây dựng, tu tạo nhiều di tích trong cố đô Hoa Lư nên ông được coi là vị thánh trấn bắc Hoa Lư tứ trấn. Tên gọi thông dụng nhất của ông là Lý Quốc Sư, ở quê hương ông được gọi là đức Thánh Nguyễn. Trong các truyền thuyết ông được xem là vị thần Khổng Lồ có thể đi lại bay lượn trên không, tạo ra nhưng hòn núi, hang động, hồ đầm,…

Lý Quốc Sư là tên gọi chức danh pháp lý cao nhất của thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không. Tên gọi này để chỉ ông là một cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Vì có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân mà ông cùng với Trần Hưng Đạo sau này là những nhân vật lịch sử có thật được người Việt tôn sùng làđức thánh Nguyễn, đức thánh Trần. Trong dân gian, Nguyễn Minh Không còn được coi là một vị thánh trong tứ bất tử ởViệt Nam và ông tổ nghề đúc đồng. Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình). Khi tu hành đắc đạo, ông trở về quê nhà dựng nhiều chùa như chùa Viên Quang, chùa Địch Lộng, chùa Am Tiên, chùa Bái Đính để tu hành, lấy vị hiệu là Minh Không. Là một nhà sư tài danh lẫy lừng, Ông đã được coi là thần y khi chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông và được phong làm Quốc sư, được nhà vua cấp cho nhà ở, được miễn thuế má. Khi ông mất rồi, rất nhiều đền chùa được dựng lên để thờ phụng. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả.”

Nguyễn Minh Không được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước Việt thời nhà Lý là Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, tượng phật Quỳnh Lâm và Vạc Phổ Minh. Những địa phương có nghề đúc đồng lâu đời như các làng nghề Yên Xá, Tống Xá ở Ý Yên, lễ hội chợ Viềng (Nam Định); phố Lò Đúc (Hà Nội), phốNgũ Xã Ba Đình, Hà Nội; Đình làng Chè, làng Rỵ (Thiệu Hoá, Thanh Hóa) đều thờ ông là ông tổ đúc đồng. Là một thiền sư giỏi về Phật pháp, giỏi cả pháp thuật, có công chữa bệnh cho vua Lý, là ông tổ của nghề đúc đồng… Nguyễn Minh Không được tôn là đức Thánh Nguyễn bên cạnh chức danh Quốc sư triều Lý. Dân gian có câu: Đại Hữu sinh Vương – Điềm Dương sinh Thánh Trong hai câu ca trên thì vương ở đây chỉ vua Đinh Tiên Hoàng, Thánh chỉ Nguyễn Minh Không. Hai ông được sinh ra ở hai làng liền kề nhau thuộc huyện Gia Viễn. Kiều Oánh Mậu người làng Đường Lâm là nhà học giả cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong lời Án sách Tiên phả dịch lục[8] có viết:

“Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. Vì bấy giờ Tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào.” [9]

Tại Ninh Bình hiện có nhiều đền thờ đức Thánh Nguyễn như ngôi đền ở trên mảnh đất sinh ra ông thuộc địa phận hai xã Gia Thắng – Gia Tiến, Gia Viễn. Xưa đây là chùa Viên Quang, sau khi ông mất nhân dân biến Viên Quang Tự thành đền thờ. Đền thờ Nguyễn Minh Không ở chùa Bái Đính là nơi ông đã phát hiện ra các động và biến chúng thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Tại chùa Địch Lộng ở huyện Gia Viễn, nơi được mệnh danh là “Nam thiện đệ tam động”, tức động đẹp thứ ba của trời Nam cũng có đền thờ và tượng của ông. Khu di tích động Hoa Lư thì phối thờ tượng ông cùng với tượng vua Đinh Tiên Hoàng trong ngôi đền cổ. Lý Quốc Sư còn được thờ ở đình Ngô Đồng, xã Gia Phú, Gia Viễn và đền thờ Tô Hiến Thành ở bên sông Hoàng Long, chùa Nhất Trụ vàđộng Am Tiên ở cố đô Hoa Lư. Tại đền Thượng xã Khánh Phú và đền Tam Thánh ở xã Khánh An, Yên Khánh ông được suy tôn là đức thánh cả.

Các vùng văn hóa

Không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn đã tạo nên những vùng văn hóa đặc trưng và cơ bản trên mảnh đất Ninh Bình qua tín ngưỡng thờ cúng các vị thần.

Vùng văn hóa chiêm trũng Gia Viễn gắn với việc thờ phụng thần Khổng Lồ Nguyễn Minh Không và hệ thống các di tích thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tạo nên niềm tự hào của người dân với nét văn hóa đặc trưng của miền quê “sinh Vương, sinh Thánh”.

Vùng văn hóa ven sông Đáy từ Gián Khẩu tới Khánh Cư vốn là đồng bằng xen vài ngọn núi thấp với những di tích đặc trưng thờ thần Thiên Tôn như chùa Phong Phú, đền Hàng Tổng, động Thiên Tôn, núi Cánh Diều, đền Thánh Cả.

Vùng văn hóa Tràng An phía nam cố đô Hoa Lư và phía tây thành phố Ninh Bình thờ vị thần Quý Minh đôi khi gắn liền với tín ngưỡng thờ các vị tướng thời Đinh Lê.

Vùng văn hóa miền núi cao Nho Quan, Tam Điệp thờ thần Cao Sơn và nhiều di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu như đền Dâu, đền Quán Cháo, phủ Đồi Ngang, đền Cô Đôi Thượng Ngàn.

Vùng văn hóa cố đô Hoa Lư là trung tâm trấn trạch bảo vệ của các vị thần. 4 vị thần đều được thờ ở 4 hướng cửa ngõ vào trung tâm cố đô Hoa Lư. Đây là vùng văn hóa tiêu biểu nhất của Ninh Bình.

Tới vùng Yên Khánh, Yên Mô tín ngưỡng thờ các vị thần trên thưa nhạt dần và không còn xuất hiện ở vùng đất mở Kim Sơn để nhường vị trí cho tín ngưỡng thờTriệu Việt Vương gắn với việc hiển linh giúp đỡ người dân khai hoang lấn biển.

Cố đô Hoa Lư

Trong phạm vi các ngôi đền chính của Hoa Lư tứ trấn được xác định là động Thiên Tôn (ở thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư); đền Cao Sơn (ở xã Gia Sinh, Gia Viễn), đền Thánh Nguyễn (ở Gia Thắng, Gia Viễn) và đền Quý Minh (ở Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình) chính là vùng trung tâm cố đô Hoa Lư của không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn. Khu vực này chỉ chiếm 5,6% diện tích Ninh Bình nhưng lại có vai trò rất quan trọng làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Trong bán kính 5 km của không gian Hoa Lư tứ trấn tính từ tâm quay tại quảng trường lễ hội đền Đinh – Lê các nhà nghiên cứu đã thống kê được 750 di tích. Các đền, đình chiếm số lượng lớn, trong đó mang giá trị hơn hẳn phải kể đến 6 đền Vua Đinh Tiên Hoàng 4 đền Vua Lê Đại Hành, đền thờ các quan và hoàng tử, công chúa của 2 triều đại Đinh Lê. Hệ thống phủ thờ, lăng tẩm cũng khá đa dạng với nhiều di sản tư liệu hán nôm quý báu.

Hệ thống chùa cổ ở Hoa Lư vẫn tồn tại hầu như nguyên vẹn về số lượng cho tới ngày nay. Sau khi đã là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo. Vào thế kỷ 10, tại đây đã có khá nhiều chùa tháp như chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, chùa Am Tiên, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa động Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn (nhà Đinh); chùa Kim Ngân, chùa Nhất Trụ (nhà Tiền Lê). Theo chính sử, Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức tăng thống phật giáo trong lịch sử. Điều độc đáo ở đây là có khá nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá làm chùa mà tiêu biểu là các động chùa: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Am Tiên, Cổ Am, Bái Đính, Liên Hoa…

Chùa Nhất Trụ được Vua Lê Đại Hành xây dựng để mở mang phật giáo. Hiện còn cột kinh Phật trước chùa vẫn giữ nguyên vẹn từ nghìn năm trước, được coi là thạch kinh cổ nhất Việt Nam. Chùa Bái Đính nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Chùa Bái Đính được các báo giới tôn vinh là khu chùa lớn nhất Đông Nam Á. Đây là một siêu chùa thuộc khu di tích cố đô Hoa Lư với nhiều kỷ lục được xác lập. Chùa Kim Ngân là một ngôi chùa cổ nằm ở thôn Chi Phong, xưa là nơi cất giữ vàng bạc từ khi vua Lê Đại Hành cày tịch điền ở ruộng Kim Ngân. Chùa Duyên Ninh xưa là nơi Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân đã thề hẹn ở đó mà sinh ra Lý Thái Tông. Chùa Bà Ngô được xây từ thời nhà Đinh. Nằm bên phải bờsông Hoàng Long thuộc khu vực ngoại vi thành Hoa Lư xưa. Tấm bia đá dựng ở chùa, niên đại 1877 có đoạn: “Chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam của đô cũ Đại Việt trước”. Chùa Bàn Long cũng được hình thành từ thời Đinh. Tấm bia ở vách núi khắc vào thế ký 16 có ghi: “Từ thành cổ Hoa Lư men theo núi đá mà đi về phía nam đến làng Khê Đầu, ở đó có chùa Bàn Long. Đây là danh thắng từ ngàn xưa. Trải các triều Đinh, Lê, Lý, Trần chùa này càng thêm nổi tiếng”. Hoa Sơn động nằm ở Áng Ngũ, ở độ cao gần 70 mét. Tương truyền động Hoa Sơn là nơi nuôi Ấu chúa thời vua Đinh. Chùa động Am Tiên như một thế giới riêng biệt. Có một tấm bia cổ, từ thời Lý, chữ đã mờ hết đọc không được. Nhưng tấm bia dựng thời Vua Ðồng Khánh, chữ viết còn rõ ràng, nói về việc tu sửa chùa và động. Đây là nơi vua Đinh Tiên Hoàng nuôi hổ báo để trừng trị những người phạm tội nặng. Đến thời Lý, nhà sư Nguyễn Minh Không đã ở trong hang tụng kinh thuyết pháp, xây bệ thờ Phật ở trong hang, người đời sau mới mở ra cảnh chùa chiền để khách thập phương hành hương đến đó.

Các di tích thắng cảnh ở Hoa Lư chính là điểm nhấn bổ sung về mặt hình thức cho cố đô Hoa Lư thêm phần hấp dẫn và hoa lệ. Khu vực Tràng An được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước đã trải qua thời gian dài biến đổi địa chất tạo thành. Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng Anxưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên. Tràng An có hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên hết sức đa dạng, có tuổi từ 32 triệu năm đến 6.000 năm. Dưới chân các núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, là dấu tích của biển. Chính vì vậy vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình được gọi là “Hạ Long trên cạn”.

Là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam, Hoa Lư còn là đất tổ sản sinh nhiều giá trị văn hóa thuần Việt. Kinh đô này là đất tổ của nghệ thuật sân khấu chèo mà người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh. Đây là loại hình sân khâu tiêu biểu nhất của Việt Nam. Các truyền thuyết lịch sử hát Tuồng cũng ghi rằng loại hình ngày hình thành vào thời Tiền Lê năm 1005, khi một kép hát người Tàu tên là Liêm Thu Tâm đến Hoa Lư và trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được vua Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung. Nơi đây cũng là quê hương của nhiều vị thủy tổ, tổ nghề Việt Nam như Ninh Hữu Hưng là ông tổ nghề xây dựng Việt Nam.

Trong không gian Hoa Lư tứ trấn còn có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội động Thiên Tôn, lễ hội cố đô Hoa Lư, lễ hội đền Trần, lễ hội chùa Bái Đính… và những làng cổ như làng cổ Yên Thành, làng cổ Yên Thượng, Chi Phong… với những nghề truyền thống đủ điều kiện phát triển du lịch văn hóa. Nhiều loại ẩm thực đặc sắc được Ninh Bình có kế hoạch bảo tồn phát huy như Khoai lang Hoàng Long, Cá rô Tổng Trường, Dê núi, cơm cháy Ninh Bình…

Wikipedia

PHƯƠNG TIỆN

KHÁM PHÁ

VĂN HÓA

CÔNG NGHỆ

QUÂN SỰ

SỨC KHỎE

Món ngon Hải Phòng

I. BÁNH ĐA CUA 1. Cô Yến – 2B Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng) 30k 2. Bánh đa cua- 48 Lạch Tray, Ngô Quyền, HP (16-2h đêm) 30k 3. Bánh đa cua – Đầu ngõ 195 Cầu Đất, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng)

Bún đỏ ở Hà Nội

Món bún đặc sản của Đăk Lăk được đưa về Hà Nội cho thực khách muốn đổi vị. Màu bắt mắt của bát bún đỏ có thể kích thích sự tò mò của những ai chưa từng thử món này. Người Hà Nội đã quen với bún riêu có màu

Doping là gì?

Thời gian gần đây, rất nhiều người hâm mộ thể thao có sự quan tâm rất nhiều đến Doping là gì và băn khoăn thử nghiệm doping là sao, và để trả lời cho câu hỏi đó các bạn hãy cùng tham khảo bài viết này nhé. Bạn đã nghe