[post-views]

Đánh giá:
5/5

Kinh Kim Cương là một văn bản của Phật giáo Đại thừa ghi chép lại những lời giảng, giáo lý tôn giáo của Đức Phật. Một bản sao của nó được tìm thấy trong hang Mạc Cao ở Trung Quốc là cuốn sách in hoàn chỉnh lâu đời nhất thế giới, có niên đại năm 868.

Hình vẽ trên trang đầu tiên của Kinh Kim Cương. Ảnh: Wikipedia.

Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajracchedika prajnaparamita sutra) là một trong những văn bản được tôn kính nhất của Phật giáo Đại thừa [nhánh Phật giáo phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á]. Người ta thường gọi nó với tên ngắn gọn hơn là Kinh Kim Cương hay Kinh Kim Cang. Thuật ngữ “Kinh” (sutra) trong tiếng Phạn mang nghĩa một “bài thuyết giáo”, hay “bài thuyết pháp” của Đức Phật.

Kinh Kim Cương thuộc một bộ kinh sách lớn hơn của Phật giáo Đại thừa thời kỳ đầu gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa, hay “Sự hoàn hảo của Trí tuệ”. Một tác phẩm nổi tiếng khác cũng thuộc bộ kinh sách này là Bát Nhã Tâm Kinh. Các bộ kinh đều do đệ tử ghi chép lại lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay Tất Đạt Đa Cồ Đàm. Nhiều học giả tin rằng, chúng được viết từ thế kỷ 1 trước Công nguyên và hoàn thành sau đó vài thế kỷ.

Vào đầu thế kỷ 20, một tu sĩ Đạo giáo tên Wang Yuanlu chịu trách nhiệm trông coi hang Mạc Cao ở thành phố Đôn Hoàng, Trung Quốc. Tại đây, Wang tình cờ phát hiện một cánh cửa bí mật dẫn đến căn phòng kín chứa 40.000 tài liệu và đồ tạo tác cổ, trong đó có một bản sao của Kinh Kim Cương. Đây là cuốn sách in hoàn chỉnh cổ nhất thế giới từng được con người biết đến, và nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Khí hậu sa mạc khô cằn của Đôn Hoàng là điều kiện hoàn hảo giúp bảo quản các cuốn sách.

Nhờ một ghi chú ngắn ở cuối bản sao Kinh Kim Cương, chúng ta có thể biết rõ nguồn gốc và niên đại của nó. Nội dung cụ thể như sau: “Wang Jie thay mặt cha mẹ phân phát miễn phí cuốn sách này vào ngày 11 tháng 5 năm 868 [thuộc triều đại nhà Đường]”.

Aurel Stein, nhà khảo cổ học mang bản sao Kinh Kim Cương từ Trung Quốc tới nước Anh. Ảnh: History.

Năm 1907, Aurel Stein – nhà khảo cổ người Anh gốc Hungary – đến thăm hang Mạc Cao trong một chuyến thám hiểm trên Con đường tơ lụa và gặp Wang Yuanlu. Ông chi số tiền 130 bảng Anh để mua lại 24 thùng chứa đầy tài liệu [trong đó bao gồm Kinh Kim Cương, truyện dân gian, nhạc kịch, thơ, tiểu luận, tiểu thuyết,..], các bức tranh lụa, đồ thêu dệt, đồ tạo tác mang tính nghệ thuật cao. Sau đó, ông đem tất cả chúng về nước Anh.

Hiện nay, bản sao của Kinh Kim Cương lấy từ hang Mạc Cao đang được trưng bày tại Thư viện Anh ở London. Hang Mạc cao cũng trở thành một di sản văn hóa của thế giới. Nhà nước Trung Quốc thành lập một ủy ban chuyên nghiên cứu và tu bổ hang, nhưng chỉ có điều các báu vật “một đi không trở lại” thì chẳng tiền của nào có thể đánh đổi.

Bản sao Kinh Kim Cương được tạo ra bằng phương pháp in khối, hay in mộc bản. Người thợ khắc các nét chữ, hình vẽ lên một tấm gỗ. Phần có chữ sẽ nổi lên cao, phần không chữ được khoét lõm xuống. Khi in, người ta phủ một lớp mực mỏng trên bề mặt tấm gỗ, sau đó đặt tờ giấy lên và dùng một thanh gỗ đã mài nhẵn gạt nhẹ phía trên tờ giấy. Giấy in được ngâm trong một loại thuốc nhuộm màu vàng chiết xuất từ cây Hoàng bá mang đặc tính diệt sâu bọ và côn trùng. Bản khắc gỗ có nhược điểm là nếu hỏng một từ hoặc một ký tự thì phải làm lại cả khuôn in.

Kinh Kim Cương là văn bản khá ngắn ngọn, trong đó bao gồm một cuộc đàm luận giữa Đức Phật và tôn giả Tu Bồ Đề. Trang đầu tiên là một bức tranh mô tả đức Phật được bao quanh bởi các nhà sư, tín đồ và các vị thần. Ở góc dưới bên trái là đệ tử Tu Bồ Đề đang lắng nghe Đức Phật trình bày giáo lý trong Kinh Kim Cương.

Bản dịch tiếng Anh của Kinh Kim Cương thông thường chỉ khoảng 6.000 từ, và người đọc có thể hoàn thành nó trong vòng chưa đầy 40 phút. Cuốn sách chứa đựng thông điệp rất sâu sắc, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Một trong những cách diễn giải cơ bản nhất về Kinh Kim Cương là lời khích lệ của Đức Phật đối với các đệ tử, kêu gọi họ “vượt qua những ảo tưởng về thực tại xung quanh để nhận thức rõ những điều có thật”.

Năm 401 sau Công nguyên, một tu sĩ Phật giáo tên là Cưu Ma La Thập lần đầu tiên dịch Kinh Kim Cương sang tiếng Trung Quốc. Phong cách dịch thuật của Cưu Ma La Thập khá mạch lạc, trôi chảy, tập trung chủ yếu vào việc truyền đạt ý nghĩa của cuốn kinh thay vì dịch chính xác theo nghĩa đen một cách rập khuôn. Nội dung bản sao Kinh Kim Cương tìm thấy ở Đôn Hoàng cũng là bản dịch của Cưu Ma La Thập. Trong thế kỷ tiếp theo, thái tử Chiêu Minh – con trai của Lương Vũ Đế – chia kinh sách thành 32 chương và đặt tiêu đề cho chúng [bản nguyên văn tiếng Phạn không chia chương mục]. Cách phân chia này vẫn còn được sử dụng đến ngày nay, mặc dù các dịch giả không phải lúc nào cũng dùng tên tiêu đề giống như của thái tử Chiêu Minh.

Đến cuối triều đại nhà Đường (năm 907), việc sao chép và tụng Kinh Kim Cương là một thực hành phổ biến của những người mộ đạo. Ước tính có hơn 80 tác phẩm diễn giải Kinh Kim Cương của các phật tử nổi tiếng ở Trung Quốc như Tăng Triệu, Tạ Linh Vận, Trí Nghĩ, Tông Mật,… Trong số đó, chỉ còn 32 tác phẩm tồn tại đến ngày nay.

Một câu chuyện thú vị về Kinh Kim Cương liên quan đến sự giác ngộ của Huệ Năng, vị tổ sư thứ sáu và cuối cùng của Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc. Theo cuốn tự truyện của nhà sư Huệ Năng, khi ông đi bán củi ở ngoài chợ lúc còn trẻ, ông tình cờ nghe người khác tụng Kinh Kim Cương và đạt được giác ngộ.

Năm 2004, bản sao Kinh Kim Cương có nguồn gốc ở Đôn Hoàng được trưng bày tại Triển lãm Con đường tơ lụa do Thư viện Anh tổ chức. Hiện nay, toàn bộ các trang của kinh sách có thể xem online, thông qua trang web của Thư viện Anh.

Quốc Hùng (Theo Ancient Origins, Live Science)

KINH KIM CANG

Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản: Tôn Giáo PL. 2550 – DL. 2006

Tôi nghe như thế này. Khi Phật ở thành Xá-vệ, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng với các vị đại tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Vào trong thành, theo thứ tự khất thực, rồi trở về tinh xá. Thọ trai xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, trải tòa ra ngồi.

Lúc ấy Trưởng lão Tu-bồ-đề từ chỗ ngồi trong đại chúng đứng dậy, bày vai bên phải, quỳ gối phải, cung kính chắp tay bạch Phật rằng: “Thế Tôn, thật ít có! Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo dặn dò các vị Bồ Tát.

“Thế Tôn! Nếu có những kẻ nam người nữ có lòng lành phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ-đề, nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm như thế nào?”

Phật dạy: “Lành thay! Lành thay! Tu-bồ-đề, đúng như ông vừa nói. Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo dặn dò các vị Bồ Tát. Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà giảng thuyết.

“Nếu những kẻ nam người nữ có lòng lành phát tâm Bồ-đề, nên trụ tâm như thế này, nên hàng phục tâm như thế này.”

“Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện được lắng nghe.”

Phật dạy Tu-bồ-đề: “Các vị Đại Bồ Tát nên hàng phục tâm như thế này: ‘Đối với tất cả các loài chúng sinh, hoặc sinh từ bào thai, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh nơi ẩm thấp, hoặc do biến hóa sinh ra, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tư tưởng, hoặc không có tư tưởng, hoặc chẳng phải có tư tưởng cũng chẳng phải không có tư tưởng, ta đều độ cho nhập vào Vô dư Niết-bàn. Như vậy diệt độ vô số chúng sinh, nhưng thật không có chúng sinh nào được diệt độ.

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề, nếu Bồ Tát có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, thì chẳng phải là Bồ Tát.

“Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ Tát theo đúng pháp, nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là chẳng nên trụ nơi hình sắc mà bố thí, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng mà bố thí.

“Tu-bồ-đề! Bồ Tát nên bố thí như vậy đó, không trụ nơi tướng.

“Vì sao vậy? Nếu Bồ Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức ấy chẳng thể suy lường.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Hư không phương đông có thể suy lường được chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được.”

“Tu-bồ-đề! Hư không các phương nam, tây, bắc, bốn phương phụ, phương trên, phương dưới có thể suy lường được chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được.”

“Tu-bồ-đề! Bồ Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức cũng như vậy, chẳng thể suy lường.

“Tu-bồ-đề! Bồ Tát chỉ nên trụ tâm theo như chỗ đã chỉ dạy.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể dùng thân tướng mà thấy Như Lai chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được. Chẳng thể dùng thân tướng mà thấy Như Lai. Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng thân tướng vốn thật chẳng phải là thân tướng.”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai.”

Tu-bồ-đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Liệu có chúng sinh nào nghe lời thuyết dạy này mà sinh lòng tin chân thật chăng?”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Chớ nên nói thế! Như Lai diệt độ rồi, sau năm trăm năm sẽ có những người tu phước giữ theo giới luật, đối với lời thuyết dạy này thường sinh lòng tin, nhận là chân thật. Nên biết những người này chẳng phải chỉ ở nơi một, hai, ba, bốn, năm đức Phật gieo trồng căn lành, mà vốn thật là đã từng ở nơi vô số ngàn vạn đức Phật gieo trồng căn lành.

“Như có chúng sinh nào nghe lời thuyết dạy này, dù chỉ một niệm sinh lòng tin trong sạch, Tu-bồ-đề, Như Lai ắt sẽ thấy biết rằng những chúng sinh ấy được vô lượng phước đức. Vì sao vậy? Những chúng sinh ấy không sinh khởi lại các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, không khởi pháp tướng, cũng không khởi phi pháp tướng.

“Vì sao vậy? Những chúng sinh ấy nếu tâm chấp giữ tướng, tức mắc vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Nếu giữ lấy pháp tướng tức mắc vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Vì sao vậy? Nếu giữ lấy phi pháp tướng, tức mắc vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.

“Vì thế, chẳng nên chấp giữ lấy pháp, cũng chẳng nên chấp giữ lấy phi pháp.

“Do nơi nghĩa này, Như Lai thường nói: Các vị tỳ-kheo nên biết, pháp Phật thuyết dạy như cái bè qua sông. Pháp còn nên xả bỏ, huống chi những gì chẳng phải pháp?

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Theo như chỗ con hiểu nghĩa Phật đã dạy, không có pháp xác định gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp xác định nào Như Lai có thể thuyết.

“Vì sao vậy? Chỗ thuyết pháp của Như Lai thảy đều chẳng thể chấp giữ lấy, chẳng thể nói ra, chẳng phải là pháp, cũng chẳng phải là phi pháp.

“Vì sao vậy? Tất cả các bậc thánh hiền đều dùng pháp vô vi, nhưng có chỗ sai biệt nhau.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Nếu có người làm đầy cõi Tam thiên đại thiên thế giới với bảy món báu, rồi dùng mà bố thí, được phước đức nhiều chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Vì sao vậy? Phước đức, thật chẳng phải là tánh phước đức, nên Như Lai nói là nhiều phước đức.”

“Nếu lại có người thọ trì chỉ bốn câu kệ trong kinh này,vì người khác mà giảng nói, phước này hơn hẳn phước bố thí kia.

“Vì sao vậy? Hết thảy chư Phật và giáo pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của các ngài đều từ nơi kinh này mà ra.

“Tu-bồ-đề! Vì vậy mà nói rằng: pháp Phật tức chẳng phải là pháp Phật.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vị Tu-đà-hoàn có được khởi niệm: ‘Ta được quả Tu-đà-hoàn’ chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, chẳng thể được. Vì sao vậy? Tu-đà-hoàn gọi là nhập vào dòng, nhưng thật không có chỗ nhập. Chẳng nhập vào hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng, nên mới gọi là Tu-đà-hoàn.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vị Tư-đà-hàm có được khởi niệm: ‘Ta được quả Tư-đà-hàm’ chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, chẳng được. Vì sao vậy? Tư-đà-hàm gọi là một lần trở lại, nhưng thật không có trở lại, nên mới gọi là Tư-đà-hàm.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vị A-na-hàm có được khởi niệm: ‘Ta được quả A-na-hàm’ chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, chẳng được. Vì sao vậy? A-na-hàm gọi là không trở lại, nhưng thật chẳng phải là không trở lại, nên mới gọi là A-na-hàm.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vị A-la-hán có được khởi niệm: ‘Ta được đạo A-la-hán’ chăng?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, chẳng được. Vì sao vậy? Thật không có pháp gọi là A-la-hán. Thế Tôn! Nếu vị A-la-hán khởi niệm rằng: ‘Ta được đạo A-la-hán’, tức là vướng mắc vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.

“Thế Tôn! Phật bảo rằng con được phép Tam-muội Vô tranh cao quý nhất trong loài người, là bậc A-la-hán cao quý nhất lìa bỏ tham dục. Thế Tôn! Con chẳng khởi niệm này: ‘Ta là bậc A-la-hán lìa bỏ tham dục’.

“Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi niệm này: ‘Ta được đạo A-la-hán’, Thế Tôn tất chẳng nói: ‘Tu-bồ-đề ưa thích hạnh A-lan-na.’ Vì con đây thật không vướng mắc ở chỗ làm, nên mới nói rằng: Tu-bồ-đề ưa thích hạnh A-lan-na.”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Ý ông nghĩ sao? Như Lai trước kia ở nơi Phật Nhiên Đăng có chỗ được pháp chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không có. Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng thật không có chỗ được pháp.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không có. Vì sao vậy? Việc trang nghiêm cõi Phật đó, thật chẳng phải trang nghiêm nên gọi là trang nghiêm.”

“Tu-bồ-đề! Vì vậy mà các vị đại Bồ Tát nên sinh tâm thanh tịnh như thế này: ‘Chẳng nên trụ nơi hình sắc sinh tâm, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng sinh tâm. Nên ở nơi không chỗ trụ mà sinh tâm.

“Tu-bồ-đề! Như người kia có thân hình như núi chúa Tu-di. Ý ông nghĩ sao? Thân ấy là lớn chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất lớn. Vì sao vậy? Phật thuyết chẳng phải thân, gọi là thân lớn.”

“Tu-bồ-đề! Như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, mỗi hạt lại là một sông Hằng. Ý ông nghĩ sao? Số cát trong tất cả những sông Hằng ấy có nhiều chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Chỉ số sông Hằng như thế còn nhiều không kể xiết, huống chi là cát trong những con sông ấy!”

“Tu-bồ-đề! Nay ta dùng lời chân thật bảo cho ông biết. Như có những kẻ nam người nữ lòng lành, dùng bảy món báu để làm đầy cả số Tam thiên đại thiên thế giới nhiều như số cát của những sông Hằng ấy, rồi mang ra bố thí, được phước nhiều chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều.”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, thọ trì dù chỉ bốn câu kệ trong kinh này, vì người khác giảng nói, phước đức này hơn cả phước đức bố thí kia!

“Lại nữa, Tu-bồ-đề! Theo như kinh này mà thuyết dạy, cho đến chỉ bốn câu kệ, nên biết là nơi ấy hết thảy thế gian, trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường như tháp miếu Phật. Huống chi có người đem hết sức mà thọ trì, đọc tụng! Tu-bồ-đề! Nên biết là người này thành tựu được pháp cao quý bậc nhất ít có!

“Nếu kinh điển này ở tại nơi nào, tức như có Phật hoặc bậc đệ tử cao quý đáng tôn trọng ở đó.”

Lúc ấy Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Kinh này gọi tên là gì? Chúng con phải vâng giữ như thế nào?”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Kinh này gọi tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật. Nên theo như tên kinh mà vâng giữ. Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Phật thuyết Bát-nhã Ba-la-mật tức chẳng phải Bát-nhã Ba-la-mật.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?”

Tu-bồ-đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, Như Lai không có chỗ thuyết pháp.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Số vi trầntrong Tam thiên đại thiên thế giới có nhiều chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều.”

“Tu-bồ-đề! Những vi trần ấy, Như Lai thuyết chẳng phải vi trần, gọi là vi trần. Như Lai thuyết thế giới chẳng phải thế giới, gọi là thế giới.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể dùng ba mươi hai tướng để thấy Như Lai chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được. Chẳng thể dùng ba mươi hai tướng để thấy Như Lai. Vì sao vậy? Như Lai thuyết ba mươi hai tướng tức chẳng phải tướng, gọi là ba mươi hai tướng.”

“Tu-bồ-đề! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, dùng thân mạng nhiều như số cát sông Hằng để bố thí. Lại có người thọ trì kinh này, cho đến chỉ bốn câu kệ, vì người khác giảng nói, phước ấy vượt hơn rất nhiều.”

Bấy giờ, Tu-bồ-đề nghe thuyết kinh này, hiểu sâu được nghĩa lý và ý hướng, cảm động đến rơi lệ, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thật ít có thay! Phật thuyết kinh điển này rất sâu xa, con từ khi đạt được mắt huệ cho đến nay chưa từng được nghe kinh nào như thế này.

“Bạch Thế Tôn! Nếu có người cũng được nghe kinh này, đem lòng tin tưởng trong sạch, liền khởi sinh tướng chân thật. Nên biết là người ấy thành tựu được công đức cao quý bậc nhất ít có.

“Bạch Thế Tôn! Tướng chân thật ấy tức là chẳng phải tướng, nên Như Lai gọi là tướng chân thật.

“Thế Tôn! Nay con được nghe kinh điển này, tin hiểu thọ trì chẳng lấy chi làm khó. Nhưng nếu năm trăm năm sau nữa có chúng sinh nào được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì, người ấy quả là bậc nhất ít có. Vì sao vậy? Người ấy không có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.

“Vì sao vậy? Tướng ngã chẳng phải là tướng; tướng nhân, chúng sinh, thọ giả cũng chẳng phải là tướng. Vì sao vậy? Lìa hết thảy các tướng, gọi là chư Phật.”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Đúng vậy, đúng vậy! Nếu có người được nghe kinh này mà chẳng thấy kinh sợ hoảng hốt, nên biết người ấy rất là ít có.

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Như Lai dạy rằng bậc nhất Ba-la-mật, tức chẳng phải bậc nhất Ba-la-mật, gọi là bậc nhất Ba-la-mật.

“Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục Ba-la-mật, Như Lai nói là chẳng phải nhẫn nhục Ba-la-mật.

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Như ta xưa kia bị vua Ca-lỵ cắt xẻo thân thể từng phần. Lúc bấy giờ, ta không có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Vì sao vậy? Trong lúc ta bị cắt xẻo từng phần thân thể, nếu có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, tất phải sinh lòng sân hận.

“Tu-bồ-đề! Lại nhớ đến quá khứ năm trăm đời trước, ta là một vị tiên nhẫn nhục. Lúc ấy ta cũng không có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.

“Bởi vậy, Tu-bồ-đề, Bồ Tát nên lìa hết thảy các tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chẳng nên trụ nơi hình sắc sinh tâm, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng sinh tâm. Nên sinh tâm không có chỗ trụ. Nếu tâm có chỗ trụ tức là chẳng trụ.

“Vì thế Phật dạy các vị Bồ Tát chẳng nên trụ tâm nơi hình sắc mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ Tát vì lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên bố thí như vậy.

“Như Lai dạy rằng hết thảy các tướng tức chẳng phải tướng. Lại dạy rằng hết thảy chúng sinh tức chẳng phải chúng sinh.

“Tu-bồ-đề! Lời nói của đấng Như Lai là chân chánh, đúng thật, như nghĩa, không hư dối, không sai khác.

“Tu-bồ-đề! Như Lai có chỗ được pháp, pháp ấy không thật không hư.

“Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát trụ tâm nơi pháp làm việc bố thí, cũng như người vào chỗ tối, không thể nhìn thấy. Nếu Bồ Tát chẳng trụ tâm nơi pháp làm việc bố thí, như người có mắt, khi ánh sáng mặt trời chiếu soi thấy đủ các màu sắc.

“Tu-bồ-đề! Về sau nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, thường hay thọ trì đọc tụng kinh này, Như Lai dùng trí huệ Phật thấy biết những người này đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.

“Tu-bồ-đề! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, vừa lúc đầu ngày dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí, đến giữa ngày lại dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí, đến cuối ngày cũng lại dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí. Cứ như vậy trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp, dùng thân mạng bố thí. Nếu có người nghe kinh điển này, trong lòng tin theo chẳng nghịch, được phước nhiều hơn cả những người dùng thân mạng bố thí kia. Huống chi là sao chép, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng giải!

“Tu-bồ-đề! Nói tóm lại một lời quan trọng nhất: Kinh này có vô lượng vô biên công đức, chẳng thể suy lường. Như Lai vì người phát tâm Đại thừa mà thuyết dạy, vì người phát tâm Tối thượng thừa mà thuyết dạy. Nếu có người thường hay thọ trì, đọc tụng, rộng vì người khác mà thuyết giảng, Như Lai tất sẽ thấy biết những người này đều được thành tựu công đức vô lượng vô biên chẳng thể suy lường. Những người như vậy có thể đảm đương gánh vác đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai.

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Nếu kẻ ưa pháp nhỏ, vướng mắc vào những kiến giải ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, tức chẳng thể thọ trì đọc tụng, vì người khác mà giảng giải kinh này.

“Tu-bồ-đề! Bất cứ nơi nào có kinh này, hết thảy thế gian, các hàng trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường. Nên biết nơi ấy tức là tháp Phật, nên cung kính đi quanh lễ bái, dùng các thứ hương hoa rải lên nơi ấy.

“Lại nữa, Tu-bồ-đề! Những kẻ nam người nữ lòng lành, thọ trì đọc tụng kinh này, nếu bị người khác khinh chê, thì người trì kinh ấy dù cho đời trước đã tạo ác nghiệp lẽ ra phải đọa vào các đường dữ, nay nhân bị người khinh chê, ác nghiệp đời trước liền tiêu diệt, được thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Tu-bồ-đề! Ta nhớ thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp trước Phật Nhiên đăng, ta đã được gặp tám trăm lẻ bốn ngàn vạn ức na-do-tha đức Phật, và đều cung kính phụng sự không chút lỗi lầm. Nếu có người đời mạt pháp sau này thường thọ trì tụng đọc kinh này. Người ấy được công đức so với công đức cúng dường chư Phật của ta vượt hơn bội phần, trăm phần ta chẳng theo kịp một, ngàn vạn ức phần, cho đến tính toán, thí dụ cũng chẳng thể theo kịp được.

“Tu-bồ-đề! Những kẻ nam người nữ lòng lành vào đời mạt pháp thọ trì đọc tụng kinh này được nhiều công đức, nếu ta nói ra đầy đủ sẽ có người nghe qua sinh tâm cuồng loạn, nghi ngờ chẳng tin.

“Tu-bồ-đề! Nên biết rằng, nghĩa kinh này không thể nghĩ bàn, quả báo cũng không thể nghĩ bàn.

Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Những kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm như thế nào?”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Những kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên khởi tâm như thế này: Ta nên diệt độ hết thảy chúng sinh; diệt độ hết thảy chúng sinh, nhưng thật không có chúng sinh nào diệt độ.

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, tức không phải Bồ Tát.

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Thật không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng có. Như con hiểu theo nghĩa Phật thuyết, Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng trước kia không có được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Phật nói: “Đúng vậy, đúng vậy! Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Tu-bồ-đề! Nếu như có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Phật Nhiên Đăng hẳn đã không thọ ký cho ta: ‘Ông về sau sẽ thành Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni.’ “Vì thật không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta rằng: ‘Ông về sau sẽ thành Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni.’

“Vì sao vậy? Nói Như Lai đó, tức là nghĩa như của các pháp.

“Nếu có người nói: ‘Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.’ Tu-bồ-đề! Thật không có pháp Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Tu-bồ-đề! Như Lai có chỗ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trong chỗ ấy không thật, không hư.

“Vì thế, Như Lai dạy rằng: Hết thảy các pháp đều là Phật pháp. “Tu-bồ-đề! Nói là hết thảy các pháp, tức chẳng phải pháp, vì thế gọi là hết thảy các pháp.

“Tu-bồ-đề! Ví như thân người dài lớn.”

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn, Như Lai nói rằng thân người dài lớn tức chẳng phải là thân lớn, gọi là thân lớn.”

“Tu-bồ-đề! Bồ Tát cũng lại như vậy. Nếu nói rằng: ‘Ta đang độ cho vô lượng chúng sinh, tức chẳng gọi là Bồ Tát.’

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gọi là Bồ Tát. Vì thế Phật thuyết hết thảy các pháp đều không có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.

“Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát nói rằng: ‘Ta đang làm trang nghiêm cõi Phật’, như vậy chẳng gọi là Bồ Tát. Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng, trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, gọi là trang nghiêm.

“Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai gọi đó thật là Bồ Tát.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn chăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có nhục nhãn.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn chăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có thiên nhãn.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có huệ nhãnchăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có huệ nhãn.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãnchăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có pháp nhãn.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có Phật nhãn.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Trong sông Hằng có cát, Phật nói đó là cát chăng?”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai nói đó là cát.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như trong một con sông Hằng có bao nhiêu cát, lại có số sông Hằng nhiều như số cát ấy, lại có số cõi Phật nhiều như số cát trong tất cả những con sông Hằng đó, như vậy là nhiều chăng?”

“Bạch Thế Tôn, rất nhiều!”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Hết thảy chúng sinh trong số cõi Phật nhiều như vậy, nếu khởi tâm suy nghĩ, Như Lai đều biết. Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng, các tâm đều là không phải tâm, nên gọi là tâm.

“Vì sao như thế? Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ chẳng thể nắm bắt. Tâm hiện tại chẳng thể nắm bắt. Tâm vị lai chẳng thể nắm bắt.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy món báu làm đầy cõi Tam thiên đại thiên thế giới rồi dùng để bố thí. Do nhân duyên ấy, được phước nhiều chăng?”

“Bạch Thế Tôn, quả đúng như vậy. Do nhân duyên bố thí, người ấy được phước rất nhiều.”

“Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói là được nhiều phước đức. Vì phước đức không, nên Như Lai nói là được nhiều phước đức.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy sắc thân đầy đủ thấy đó là Phật chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng được. Chẳng nên lấy sắc thân đầy đủ thấy là Như Lai. Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng, sắc thân đầy đủ tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, gọi là sắc thân đầy đủ.”

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể dùng các tướng đầy đủ thấy là Như Lai chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng được. Chẳng nên dùng các tướng đầy đủ thấy là Như Lai. Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng, các tướng đầy đủ tức chẳng phải đầy đủ, gọi là các tướng đầy đủ.”

“Tu-bồ-đề! Ông đừng cho rằng Như Lai có ý nghĩ này: ‘Ta đang có chỗ thuyết pháp’. Chớ nghĩ như thế. Vì sao vậy? Nếu ai nói rằng Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là hủy báng Phật, chẳng thể hiểu được chỗ ta thuyết dạy.

“Tu-bồ-đề! Người thuyết pháp đó, chẳng pháp nào có thể thuyết, gọi là thuyết pháp.”

Bấy giờ, ngài Huệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật: “Thế Tôn! Liệu có chúng sinh nào ở đời vị lai nghe thuyết pháp này sinh lòng tin theo chăng?”

Phật dạy: “Tu-bồ-đề! Đó chẳng phải là chúng sinh, chẳng phải không là chúng sinh.

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Chúng sinh đó, Như Lai dạy rằng chẳng phải chúng sinh, gọi là chúng sinh.”

Tu-bồ-đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Phật được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là không có chỗ được sao?”

Phật nói: “Đúng vậy, đúng vậy! Tu-bồ-đề! Ta đối với quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng có lấy một phần nhỏ pháp có thể được, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, gọi tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trừ bỏ các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả mà tu hết thảy pháp lành, tức thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Tu-bồ-đề! Chỗ nói là pháp lành, Như Lai dạy rằng chẳng phải pháp lành, gọi là pháp lành.

“Tu-bồ-đề! Như trong cõi Tam thiên đại thiên thế giới có các núi chúa Tu-di, có người dùng bảy món báu tích tụ nhiều như các núi ấy mà bố thí. Lại có người lấy kinh Bát-nhã Ba-la-mật này, thậm chí chỉ bốn câu kệ, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói. Phước đức của người bố thí so với người trì kinh thật trăm phần chẳng bì được một, trăm ngàn vạn ức phần, cho đến tính toán, thí dụ cũng chẳng thể theo kịp được.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Các ông đừng cho rằng Như Lai có ý nghĩ này: ‘Ta đang độ chúng sinh’.

“Tu-bồ-đề! Chớ nghĩ như thế. Vì sao vậy? Thật không có chúng sinh nào được Như Lai độ! Nếu có chúng sinh được Như Lai độ, Như Lai tất có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.

“Tu-bồ-đề! Như Lai dạy rằng có ngã, tức chẳng phải có ngã, nhưng phàm phu cho là có ngã.

“Tu-bồ-đề! Phàm phu đó, Như Lai dạy rằng chẳng phải phàm phu.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy ba mươi hai tướng mà quán đó là Như Lai chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Không thể được, Thế Tôn! Không thể lấy ba mươi hai tướng mà quán đó là Như Lai.”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Nếu lấy ba mươi hai tướng mà quán đó là Như Lai, vậy Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như Lai.”

Tu-bồ-đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Theo như chỗ con hiểu nghĩa Phật thuyết dạy, chẳng nên lấy ba mươi hai tướng mà quán đó là Như Lai.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Nếu dùng sắc thấy Ta,

Dùng âm thanh cầu Ta.

Là người hành tà đạo,

Chẳng thể thấy Như Lai.”

“Tu-bồ-đề! Nếu ông khởi ý nghĩ rằng: ‘Như Lai có thể dùng các tướng đầy đủ mà được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác’. Tu-bồ-đề! Chớ nghĩ như thế. Chớ nghĩ rằng Như Lai có thể dùng các tướng đầy đủ mà được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Tu-bồ-đề! Nếu ông khởi ý nghĩ rằng: ‘Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thuyết giảng tướng đoạn diệt của các pháp.’ Chớ nghĩ như thế. Vì sao vậy? Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với pháp chẳng thuyết tướng đoạn diệt.

“Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát dùng bảy báu làm đầy số cõi thế giới nhiều như cát sông Hằng rồi mang ra bố thí. Lại có người hiểu biết hết thảy các pháp là vô ngã nên thành tựu được hạnh nhẫn nhục. Công đức của người này vượt hơn vị Bồ Tát làm việc bố thí.

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Là vì Bồ Tát chẳng thọ nhận phước đức.”

Tu-bồ-đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát chẳng thọ nhận phước đức?”

“Tu-bồ-đề! Bồ Tát có làm những việc phước đức đều chẳng nên tham trước, nên nói là chẳng thọ nhận phước đức.

“Tu-bồ-đề! Nếu có người nói: ‘Như Lai có đến, hoặc có đi, hoặc có ngồi, hoặc có nằm.’ Người ấy thật chẳng hiểu nghĩa ta thuyết dạy. Vì sao vậy? Như Lai đó, chẳng từ đâu mà đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.

“Tu-bồ-đề! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, lấy cả cõi Tam thiên đại thiên thế giới nghiền nát thành vi trần. Ý ông nghĩ sao? Số vi trần ấy có nhiều chăng?”

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Vì sao vậy? Nếu những vi trần này là thật có, Phật tất chẳng nói là vi trần. Vì sao thế? Phật dạy rằng các vi trần, tức chẳng phải vi trần, gọi là vi trần.

“Thế Tôn! Chỗ Như Lai nói Tam thiên đại thiên thế giới, tức chẳng phải thế giới, gọi là thế giới. Vì sao vậy? Nếu thế giới là có thật, tức là một tướng hòa hợp. Như Lai dạy rằng một tướng hòa hợp tức chẳng phải một tướng hòa hợp, gọi là một tướng hòa hợp.”

“Tu-bồ-đề! Một tướng hòa hợp tức là chẳng thể nói ra. Chỉ vì kẻ phàm phu tham chấp nơi sự việc.

“Tu-bồ-đề! Nếu có người nói rằng Phật thuyết dạy những kiến giải ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Người ấy có hiểu được nghĩa ta thuyết dạy chăng?”

“Bạch Thế Tôn, người ấy chẳng hiểu được nghĩa Như Lai thuyết dạy. Vì sao vậy? Thế Tôn dạy rằng những kiến giải ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả chẳng phải là những kiến giải ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, gọi là những kiến giải ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.”

“Tu-bồ-đề! Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với hết thảy các pháp, nên thấy biết như thế này, tin hiểu như thế này, chẳng sinh khởi pháp tướng.

“Tu-bồ-đề! Chỗ nói là pháp tướng đó, Như Lai dạy rằng chẳng phải pháp tướng, gọi là pháp tướng.

“Tu-bồ-đề! Nếu có người dùng bảy món báu làm đầy khắp trong vô số a-tăng-kỳ thế giới rồi dùng mà bố thí, lại có những kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm Bồ-đề, giữ làm theo kinh này, thậm chí chỉ bốn câu kệ, thọ trì đọc tụng, vì người khác giảng nói, phước đức này hơn cả phước bố thí kia!

“Thế nào là vì người giảng nói? Chẳng chấp giữ nơi tướng, như như chẳng động. Vì sao vậy?

“Hết thảy pháp hữu vi,
“Như mộng ảo, bọt nước,
“Như sương sa, điện chớp.
“Nên quán sát như vậy.”

Phật thuyết kinh này rồi, Trưởng lão Tu-bồ-đề cùng các vị tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hết thảy thế gian, trời, người, a-tu-la, nghe Phật thuyết dạy đều hết sức hoan hỷ, tin nhận, vâng làm theo.

KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

Đọc thêm: http://tuyenphap.com/kinh-kim-cuong-1055#ixzz6E5CGJvpW

 

 

PHƯƠNG TIỆN

KHÁM PHÁ

VĂN HÓA

CÔNG NGHỆ

QUÂN SỰ

SỨC KHỎE

Món ngon Hải Phòng

I. BÁNH ĐA CUA 1. Cô Yến – 2B Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng) 30k 2. Bánh đa cua- 48 Lạch Tray, Ngô Quyền, HP (16-2h đêm) 30k 3. Bánh đa cua – Đầu ngõ 195 Cầu Đất, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng)

Bún đỏ ở Hà Nội

Món bún đặc sản của Đăk Lăk được đưa về Hà Nội cho thực khách muốn đổi vị. Màu bắt mắt của bát bún đỏ có thể kích thích sự tò mò của những ai chưa từng thử món này. Người Hà Nội đã quen với bún riêu có màu

Doping là gì?

Thời gian gần đây, rất nhiều người hâm mộ thể thao có sự quan tâm rất nhiều đến Doping là gì và băn khoăn thử nghiệm doping là sao, và để trả lời cho câu hỏi đó các bạn hãy cùng tham khảo bài viết này nhé. Bạn đã nghe