[post-views]

Đánh giá:
5/5

Phật (chữ Hán: 佛) trong Phật giáo thì thường dùng để chỉ đến một con người, chính xác hơn là một chúng sinh đã đạt đến sự tinh khiết và hoàn thiện trong đạo đức, trí tuệ thông qua nỗ lực của bản thân, tâm trí của chúng sinh ấy đã vắng mặt hoàn toàn vô minh – gốc rễ gây ra sinh tử, do đó chúng sinh ấy cũng có những khả năng siêu vượt và hoàn hảo như Lục thông ở mức độ cao nhất, nhưng đặc biệt đó là: trí tuệ vĩ đại và sự từ bi vô hạn với mọi chúng sinh khác, không phân biệt đó là gì. Sự giác ngộ ấy có tính chất siêu nhiên, theo các Phật tử thì nó không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ, sự hiểu biết thông thường được mà chỉ có thể hiểu hoàn toàn khi đã trải nghiệm nó. Những chúng sinh đang trên con đường để trở thành một vị Phật, chuyên tâm thực hiện các hạnh Ba-la-mật, phát tâm từ bi được gọi là Bồ tát.

Trước đây, từ này thường để chỉ một vị Phật từng có mặt trong lịch sử tên là “Tất-đạt-đa Cồ-đàm” (Siddhartha Gautama), một nhân vật có thật đã truyền bá tư tưởng của mình ở lục địa Ấn Độ và những giáo lý ấy đã được làm nền tảng để khai sinh ra Phật giáo. Theo lời Tất-đạt-đa Cồ-đàm, ngoài ông ra còn có vô số vị Phật nữa tồn tại ở các không gian khác hoặc ở những thời điểm khác: nhiều vị ở quá khứ, nhiều vị ở hiện tại và nhiều vị ở tương lai.

Theo Phật giáo, thời đại xuất hiện một vị Phật là rất hiếm. Do đó, thời kỳ mà một vị Phật xuất hiện hoặc giáo pháp của vị Phật đó vẫn còn tương đối nguyên vẹn là một thời kỳ “hạnh phúc”. Vì có nhiều thời kỳ, có nhiều giai đoạn rất dài trong các chu kỳ thế giới không hề xuất hiện một vị Phật nào, nếu có thì cũng chỉ có những vị Phật Độc Giác, các vị ấy xu hướng ít tuyên thuyết giáo pháp, cho nên chúng sinh không có phương tiện giải thoát. Vị Phật thường được xem là đại diện cho các vị Phật quá khứ ở thế giới này là Nhiên Đăng Cổ Phật. Trong khi vị Phật tương lai được cho là sẽ xuất hiện ở Trái Đất này là Di Lặc.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Tên gọi
Từ “Buddha” có nghĩa là “thức tỉnh”. Ngoài tên gọi “Phật” trong tiếng Việt, còn được gọi là “Bụt”. Trong các tác phẩm văn học dân gian “Phật” được sử dụng phổ biến hơn “Bụt”.[1]

“Bụt” và “Phật” đều là từ gốc Hán, chúng bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán ở các thời kỳ khác nhau của một từ được viết bằng chữ Hán là “佛”. “Bụt” là mộttừ Hán Việt cổ, bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ sơ kỳ của từ “佛”.[2] E. G. Pulleyblank phục nguyên cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ sơ kỳ của từ “佛” là but.[2] “Phật” bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ hậu kỳ của từ “佛”. Pulleyblank phục nguyên cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ hậu kỳ của từ “佛” là fɦjyt (do but biến đổi thành, về sau fɦjyt biến đổi thành fɦut) và fɦut (do fɦjyt biến đổi thành). Theo Pulleyblank từ “phật” trong tiếng Việt bắt nguồn từ âm fɦjyt của từ “佛”.[2][3]

Trong tiếng Hán tên gọi của phật đã được phiên âm từ nhiều ngôn ngữ khác nhau thành nhiều dạng, chẳng hạn như “佛陀” (âm Hán Việt: phật đà), “浮陀” (phù đà), “浮圖” (phù đồ), “浮頭” (phù đầu), “勃陀” (bột đà), “勃馱” (bột đà), “部多” (bộ đa), “部陀” (bộ đà), “毋陀” (vô đà), “沒馱” (một đà), “佛馱” (phật đà), “步他” (bộ tha), “浮屠” (phù đồ), “復豆” (phục đậu), “毋馱” (vô đà), “佛圖” (phật đồ), “步陀” (bộ đà), “物他” (vật tha), “馞陀” (bột đà), “沒陀” (một đà) vân vân. Tên gọi “phật” 佛 trong tiếng Hán thường được cho là gọi tắt của “phật đà” 佛陀, phiên âm tiếng Hán của tên gọi tiếng Phạn “buddha”. Quý Tiện Lâm (季羨林) cho rằng cách giải thích này là không chính xác. Theo ông “phật” 佛 không phải là gọi tắt của “phật đà” 佛, “phật” 佛 và “phật đà” 佛陀 bắt nguồn từ hai ngôn ngữ khác nhau, tên gọi “Phật” 佛 xuất hiện trước tên gọi “phật đà” 佛陀.[4]

Kinh Phật ban đầu không được dịch sang tiếng Hán từ tiếng Phạn hay tiếng Pali mà là dịch từ nhiều ngôn ngữ cổ ở vùng Trung Á và Tân Cương.[5] Theo Quý Tiện Lâm trong các ngôn ngữ cổ thuộc ngữ tộc Iran tên gọi hai âm tiết “buddha” trong tiếng Phạn đã biến đổi thành tên gọi chỉ có một âm tiết, ví dụ như:[6]

Tiếng Ba Tư trung cổ trong kinh điển bái hoả giáo: bwt
Tiếng An Tức (安息) Ma Ni giáo (摩尼教): bwt, but
Tiếng Túc Đặc (粟特) Ma Ni giáo: bwty, pwtyy
Tiếng Túc Đặc Phật giáo: pwt
Tiếng Dari: bot
Theo Quý Tiện Lâm tên gọi “phật” 佛 trong tiếng Hán là phiên âm của tên gọi của phật trong một ngôn ngữ cổ nào đó thuộc ngữ tộc Iran.[7]

Ý nghĩa từ Phật
Trong Phật giáo nguyên thủy (Theravada), Buddha chỉ người đã thức tỉnh nhờ sự sáng suốt và nỗ lực của họ, mà không cần ai khác chỉ cho biết Dharma (Sanskrit; Pali dhamma; “cách sống đúng”). Một buddha samyak (giác ngộ hoàn toàn) sau khi thức tỉnh sẽ dạy dharma (pháp) cho những người khác. Một buddha pratyeka(độc giác) cũng có thể đạt tới Nirvana (Niết Bàn) thông qua nỗ lực cố gắng của bản thân, nhưng sẽ không dạy dharma cho người khác. Một Arhat cần tuân theo lời dạy của Buddha để đạt tới Nirvana, và sau khi đã đạt tới Nirvana cũng có thể thuyết giảng dharma.[8] Thuật ngữ buddha cũng được dùng trong Theravada để chỉ tất cả những ai đã đạt tới Nirvana, và thuật ngữ Sāvakabuddha để chỉ một Arhat phụ thuộc vào lời dạy của một Buddha để đạt tới Nirvana.[9] Theo như cách hiểu rộng này thì nó tương đương với Arahant (A La Hán)

Buddhahood chỉ tình trạng một người đã giác ngộ, tức đã tìm ra con đường trừ bỏ mọi khổ đau,[10] ở trong trạng thái “không học thêm nữa”.[11][12][13]

Có rất nhiều ý kiến và phương pháp đạt tới Buddhahood tùy thuộc vào các trường phái tu. Có trường phái tu không yêu cầu gì cả. Có trường phái lại yêu cầu tuyệt đối khổ tu theo một giáo lý. Phật giáo Mahayana (Đại thừa) nhấn mạnh lý tưởng Bodhisattva chứ không nhấn mạnh Arhat.

Các Phật tử không xem Tất-đạt-đa Cồ-đàm là vị Phật duy nhất. Pali Canon nói đến rất nhiều vị Buddha khác. (xem danh sách 28 vị Phật).

Phân loại
Có hai mức của Phật

Độc Giác Phật (sa. pratyeka-buddha), là người hoàn toàn giác ngộ, nhưng không có đủ khả năng giáo hóa chúng sinh về những điều mình chứng ngộ.
Tam-miệu-tam-phật-đà (sa. samyak-saṃbuddha), dịch ý là Phật Chính Đẳng Chính Giác, hoặc Phật Toàn Giác, không chỉ giác ngộ mà còn có thể giáo hóa chúng sinh về những điều mình chứng ngộ.
Phật tính
Phật tính, được xem là gốc của mọi hiện tượng; mọi hiện tượng là biểu hiện của Phật tính. Nếu phái Nam tông chỉ công nhận mỗi thời đại chỉ có một vị Phật, và vị này phải là một nhân vật lịch sử và là đạo sư giáo hóa, thì Bắc tông cho rằng có vô số vị Phật được biểu hiện khác nhau. Theo quan điểm Tam thân (sa. trikāya) của Bắc tông thì Phật tính biểu hiện qua ba dạng chính và mỗi dạng Phật biểu hiện một tính chất của Chân như.

Các dạng siêu việt của Phật tính, Chân như (xem Phật gia) được kể là các vị Phật A-di-đà, Đại Nhật, Bảo Sinh, Bất Động, Bất Không Thành Tựu, Kim Cương Tát-đoá. Các vị này là thầy của các vị Bồ Tát và là giáo chủ của các Tịnh độ. Các dạng Phật siêu việt của Chân như đều có tính chất siêu thế gian, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, siêu việt, vô lượng thọ. Theo quan điểm Tam thân thì Báo thân Phật (sa. saṃbhogakāya) chính là hình ảnh lý tưởng của các vị Bồ Tát tự tạo nên để theo đó mà tu học. Báo thân lại chính là Chân tâm của Ứng thân, hay Hoá thân (sa. nirmāṇakāya), là thân của Phật có dạng con người sống trên địa cầu. Khoảng năm 750 sau Công nguyên, sau khi Kim cương thừa ra đời thì trong các trường phái Bắc-tông cũng chấp nhận ngoài Pháp thân (sa. dharmakāya) có thêm năm vị Phật chuyển hóa từ Pháp thân đó, được gọi là Ngũ Phật hay Phật gia, vì mỗi một vị Phật đó được xem có thêm một vị Phật lịch sử (từng sống trên địa cầu) và một vị Bồ Tát đi kèm:

Cùng với Phật Đại Nhật là vị Ca-la-ca-tôn-đại (sa. krakuccanda) và Phổ Hiền Bồ Tát (sa. samantabhadra).
Cùng với Phật Bất Động (sa. akṣobhya) là vị Ka-na-ca-mâu-ni (sa. kanakamuni) và Kim Cương Thủ Bồ Tát (vajrapāṇi).
Cùng với Phật Bảo Sinh là vị Phật lịch sử Ca-diếp (sa. kāśyapa) và Bảo Thủ Bồ Tát (ratnapāṇi).
Cùng với Phật Bất Không Thành Tựu là vị Phật Di-lặc và Phổ Chuỳ Thủ Bồ Tát (viśvapāṇi).
Cùng với Phật A-di-đà là đại thế chí bồ tát và Quán Thế Âm Bồ Tát (sa. avalokiteśvara).
Phật lực
Một điểm khác hoàn toàn với các tôn giáo khác là Đạo Phật không có một đấng tối cao phán xét hay có toàn quyền sinh sát. Mỗi người tự làm chủ số phận của mình bằng Nhân Quả hay Nghiệp lực của mình tạo ra, không một ai ngoài bản thân có thể phán xét, cứu vớt, xóa tội cho mình. (tự lực) Các vị đạo sư hay các vị Phật, Bồ tát chỉ là người dẫn đường, bảo vệ hoặc gia hộ cho chúng sanh tự tìm cách giải thoát. (tha lực) Chúng sanh hoàn toàn có thể tự đạt đến quả vị Phật, tương đương với Phật qua câu nói của Phật: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”, bất kể giới tính, chủng tộc, sinh vật,… Trong khi đó các tôn giáo khác hầu như luôn bắt buộc tín chúng phải tôn sùng một đấng tối thượng, tôn thờ và cầu xin được cứu vớt, xóa tội hay ban phước và tín chúng không bao giờ đạt được vị thế ngang hàng hay năng lực tương đương với đấng đó. Phật tính bình đẳng trong tất cả chúng sinh, bất cứ ai cũng có khả năng là Phật, đủ khả năng giải thoát khỏikhổ đau, sinh tử.

Cốt lõi cơ bản của Đạo Phật là Nhân Quả và Luân hồi. Trong một khía cạnh nhỏ, Nhân Quả nghĩa là chúng sanh gieo Nhân nào sẽ gặt Quả đó, không thể nào lẩn tránh được. Luân hồi nghĩa là chúng sanh không phải chỉ có một kiếp hiện tại mà đã và sẽ sinh ra, chết đi vô lượng kiếp dưới nhiều xác thân khác nhau và luật Nhân Quả luôn theo sát quá trình Luân hồi đó.

Một kiếp của một người so với vô lượng kiếp của người đó giống như một hạt cát trong sa mạc và Nhân Quả luôn chi phối chặt chẽ quá trình này. Muốn giải thoátkhỏi Luân hồi sinh tử chỉ có một con đường tu tập theo sự chỉ dạy của Phật. Con đường giải thoát là khách quan, có sẵn không lệ thuộc vào Phật. Phật chỉ là người đi trước, đã thành công và giải thoát. Vì vậy mọi chúng sanh đều có thể đi theo con đường của Phật để tự giải thoát và thành Phật, như Phật đã nói: “Như mặn là vị của nước biển, còn vị của đạo ta là giải thoát”.

Tam thế Phật
Kinh văn đôi lúc cũng nhắc đến Tam thế Phật (chữ Hán: 三世佛), nghĩa là có vô số các vị Phật có các vị Phật xuất hiện lần lượt ở thời quá khứ, hiện tại và vị lai, chỉ tất cả các vị Phật trong ba đời và mười phương thế giới (trong đó Phật Nhiên Đăng đại diện cho chư Phật trong quá khứ, Phật Thích-ca là vị Phật thời hiện tại vàPhật Di-lặc tượng trưng cho chư Phật thời vị lai).[14].

Quá trình thành Phật
Theo Tam Tạng Pàli, bộ kinh Phật sử (tên khác là “Chánh giác tông”) thì chúng sinh nào cũng có thể trở thành một vị Phật, nhưng không phải dễ dàng, mà phải thực hành cho đúng và đủ theo thời hạn và các điều kiện nhất định.

Đầu tiên, một chúng sinh muốn thành Phật thì phải phát tâm nguyện, tâm nguyện này được một vị Phật nghe và thọ ký cho. Chúng sinh này muốn được Phật thọ ký thì phải tròn đủ 8 điều kiện:

Phải là loài người chớ không phải trời hay thú.
Phải là nam chứ không phải là phụ nữ hay là bán nam bán nữ (thái giám).
Có đủ duyên lành để đắc quả A-la-hán ngay trong kiếp ấy, nhưng quyết định không tu thành A-la-hán mà nguyện thành Phật
Gặp được Đức Phật ra đời và được làm một điều phước thiện nào đó cho Đức Phật ấy.
Phải là người xuất gia, tu sĩ.
Phải đầy đủ những pháp của bậc cao nhân là có ngũ thông và đạt bát thiền.
Đã được làm phước báu cao thượng là bố thí mạng sống mình và vợ con mình do tâm nguyện cho thành Phật Chánh giác.
Phải có ý nguyện dũng mãnh, quyết trở thành một vị Phật Chánh giác, dù cho khó khăn, khổ sở thế nào cũng không nao núng và thối chuyển.
Sau khi đã được Phật thọ ký cho rồi, chúng sinh này phải tiếp tục luân hồi trong vô số kiếp sống để tích lũy đầy đủ các pháp Ba-la-mật thì mới thành một vị Phật được. Theo Thượng tọa bộ (hay Phật giáo Nguyên Thủy), mười điều hoàn thiện (pa. pāramī) là (từ gốc trong tiếng Pali):

Dāna (sa. dāna): bố thí
Sīla (sa. śīla): trì giới
Nekkhamma (sa. niṣkramaṇa): xuất gia (từ bỏ cuộc sống tại gia cư sĩ)
Paññā (sa.prajñā): trí tuệ
Viriya (sa. vīrya): tinh tấn
Khanti (sa. kṣānti): nhẫn nại
Sacca (sa. satya): chân thật
Adhiṭṭhāna (sa. adhiṣṭhāna): quyết định
Mettā (sa. maitrī): tâm từ
Upekkhā (sa. upekṣā): tâm xả (xem Tứ Phạm trú)
Trong mỗi pháp trên đây đều chia làm 3 bậc là: hạ, trung, thượng, thành ra 30 pháp. Ví dụ với pháp “Bố thí”: bố thí của cải gọi là bố thí Ba-la-mật bậc hạ, bố thí các bộ phận cơ thể của mình gọi là bố thí Ba-la-mật bậc trung, bố thí sinh mạng của mình để cứu chúng sinh khác gọi là bố thí Ba-la-mật bậc thượng. 9 pháp kia cũng tương tự như vậy.

Các chư Bồ-tát (là chúng sinh đã được một vị Phật thọ ký rằng sẽ thành Phật trong tương lai) chia làm 3 bậc:

Bồ-tát thuộc về huệ lực: thời kỳ nguyện trong tâm không nói ra lời, là 7 A-tăng-kỳ đại kiếp. Thời kỳ phát nguyện ra lời mà chưa gặp Phật nào thọ ký là 9 A-tăng-kỳ. Thời kỳ gặp một vi Phật thọ ký cho tới khi thành tròn đủ 30 pháp Ba-la-mật và thành đạo là 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.
Bồ-tát thuộc về tín lực (là có nhiều đức tin): thời kỳ nguyện trong tâm không nói ra lời, là 14 A-tăng-kỳ đại kiếp. Thời kỳ phát nguyện ra lời mà chưa gặp Phật nào thọ ký là 18 A-tăng-kỳ. Thời kỳ gặp một vi Phật thọ ký cho tới khi thành tròn đủ 30 pháp Ba-la-mật và thành đạo là 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.
Bồ-tát thuộc về tấn lực (nhiều sự tinh tấn): thời kỳ nguyện trong tâm không nói ra lời, là 28 A-tăng-kỳ đại kiếp. Thời kỳ phát nguyện ra lời mà chưa gặp Phật nào thọ ký là 36 A-tăng-kỳ. Thời kỳ gặp một vi Phật thọ ký cho tới khi thành tròn đủ 30 pháp Ba-la-mật và thành đạo là 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.
“Đại kiếp” ở đây là một kiếp của quả địa cầu, tức là quá trình hình thành, phát triển rồi hoại diệt của cả một hành tinh, kéo dài nhiều tỷ năm. Còn A-tăng-kỳ là “số lượng không thể tính đếm” (vượt qua cả hàng tỷ tỷ tỷ). Như vậy, thời gian cần để một chúng sinh tu thành Phật là cực kỳ dài, đến mức vượt qua khỏi khả năng tưởng tượng hoặc hiểu biết của phàm nhân.

Nói vậy sẽ thấy, 1 vị Phật ra đời và độ sinh là hiếm hoi như thế nào, vậy nên có câu “Trong vô số kiếp luân hồi thì có được thân người là khó (đa phần chúng sinh chỉ có thân súc sinh), có được thân người thì đủ duyên để xuất gia đi tu là khó, xuất gia đi tu rồi thì có duyên gặp Phật tại thế là càng khó”. Người được gặp Phật, nghe Phật thuyết pháp là phải có rất nhiều căn duyên lành, bởi xác suất xảy ra là vô cùng hãn hữu, giống như rùa mù nổi lên trúng một khúc gỗ trôi giữa đại dương vậy.

28 vị Phật toàn giác trong quá khứ
Đức Thích Ca Mâu Ni giảng giải cho Đại đức Xá Lợi Phất rằng: tính từ cách đây 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất đến nay, đã có 28 Đức Phật tổ đã ra đời giáo hóa chúng sinh.

Cách đây 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, trong cùng 1 kiếp trái đất, đã có 4 vị phật là Taṇhaṅkara, Medhaṅkara, Saraṇaṅkara, và Dīpaṅkara ra đời. Trong đó, Dīpaṅkara (Nhiên Đăng Cổ Phật) là vị Phật đầu tiên đã thọ ký cho tu sĩ Sumedha (chính là tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni) sẽ thành Phật trong ngày vị lai
Cách đây 3 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, đã có 1 vị Phật tên là Koṇḍañña (Kiều-Trần-Như) ra đời.
Cách đây 2 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, trong cùng 1 kiếp trái đất, đã có 4 vị Phật tên là Maṅgala (Man-Giá-La), Sumana (Tu-ma-na), Revata (Ly-Bà-Ða), và Sobhita (Tô-Tỳ-Đa) ra đời.
Cách đây 1 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, trong cùng 1 kiếp trái đất, đã có 3 vị Phật tên là Anomadassī, Paduma, và Nārada ra đời.
Cách đây 100 ngàn đại kiếp trái đất, đã có 1 vị Phật tên là Padumuttara (Bạch-Liên-Hoa) ra đời.
Cách đây 30 ngàn đại kiếp trái đất, trong cùng 1 kiếp trái đất, đã có 2 vị Phật tên là Sumedha (Thiện Tuệ) và Sujāta (Thiện Sanh) ra đời.
Cách đây 1.800 đại kiếp trái đất, trong cùng 1 kiếp trái đất, đã có 3 vị Phật tên là Piyadassī (Hỷ Kiến), Atthadassī (Lợi Kiến), và Dhammadassī (Pháp Kiến) ra đời.
Cách đây 94 đại kiếp trái đất, đã có 1 vị Phật tên là Siddhattha (Tất Đạt Đa) ra đời.
Cách đây 92 đại kiếp trái đất, trong cùng 1 kiếp trái đất, đã có 2 vị Phật tên là Tissa (Đế Sa) và Phussa (Phất Sa) ra đời.
Cách đây 91 đại kiếp trái đất, đã có 1 vị Phật tên là Vipassī (Phật Tỳ Bà Thi) ra đời.
Cách đây 31 đại kiếp trái đất, trong cùng 1 kiếp trái đất, đã có 2 vị Phật tên là Sikhī (Phật Thi Khí) và Vessabhū (Phật Tỳ Xá Phù) ra đời.
Trong kiếp trái đất này, đã có 4 vị Phật tên là Kakusandha (Phật Câu Lưu Tôn), Konāgamana (Phật Câu Na Hàm Mâu Ni), Kassapa (Phật Ca Diếp), Gotama (chính là Phật Thích Ca Mâu Ni mà hiện nay nhân loại đang thờ cúng) ra đời. Cũng trong kiếp trái đất này, nhiều triệu năm sau sẽ có vị Phật thứ 5 ra đời là Metteyya (Phật Di Lặc).
Bảy vị Phật quá khứ

Trong bộ Kinh Trường A Hàm, có hai Kinh Đức Phật Thích Ca nói về bảy vị Phật quá khứ. Đó là Kinh Thất Phật (Đại I, No. 2) và Kinh Thất Phật phụ mẫu tánh tự (Đại I, No. 4). Danh hiệu của 7 vị Phật đó lần lượt như sau:

1) Tỳ Bà Thi Phật: Nhập Niết Bàn cách đây chín mươi mốt kiếp, thọ tám vạn tuổi. Ngài còn có tên gọi khác là Duy Vệ, trị vì đất nước tên Sát-mạt-đề. Thị giả của Tỳ-bà-thi Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác tên A-thâu-ca. Hội thuyết pháp thứ nhất của Tỳ-bà-thi Như Lai có sáu vạn hai ngàn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ hai có mười vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ ba có bảy vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
2) Thi Khí Phật: Nhập Niết Bàn cách đây ba mươi mốt kiếp, thọ bảy vạn tuổi. Ngài còn có tên gọi khác là Phật Thức, trị vì đất nước tên A Lâu Na Hòa Đề. Thị giả của Thi-khí Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác tên Sát-ma-ca-rô. Hội thuyết pháp thứ nhất của Thi-khí Như Lai có mười vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ hai có tám mươi ức Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ ba có bảy vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
3) Tỳ Xá Phù Phật: Nhập Niết Bàn cách đây ba mươi mốt kiếp, thọ sáu vạn tuổi. Ngài còn có tên gọi khác là Tùy Diệp, trị vì đất nước tên A-nâu-ưu-ma. Thị giả của Phật Tỳ-xá-phù, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Ô-ba-phiến-đổ. Hội thuyết pháp thứ nhất của Tỳ-xá-phù Như Lai có tám vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ hai có bảy vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ ba có sáu vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
4) Câu Lưu Tôn Phật: Xuất hiện vào kiếp thứ sáu trong hiền kiếp, thọ bốn vạn tuổi. Ngài còn có tên gọi khác là Câu Lâu Tần, trị vì đất nước tên Luân-ha-lợi-đề-na. Thị giả của Phật Câu-lưu-tôn, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Một-đề-du. Câu-lưu-tôn Như Lai thuyết pháp một hội có bốn vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
5) Câu Na Hàm Mâu Ni Phật: Xuất hiện vào kiếp thứ bảy, thọ ba vạn tuổi. Ngài trị vì đất nước tên Sai-ma-việt-đề. Thị giả của Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên To-rô-đế-lý-dã. Phật Câu-na-hàm Mâu-ni thuyết pháp một hội có ba vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
6) Ca Diếp Phật: Xuất hiện vào kiếp thứ tám, thọ hai vạn tuổi. Ngài trị vì đất nước tên Ba-la-tư. Thị giả của Ca-diếp Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Tát-lý-phược mật-đát-la. Phật Ca-diếp thuyết pháp một hội có hai vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
7) Thích Ca Mâu Ni Phật: Xuất hiện vào kiếp thứ chin, thọ trên dưới 100 tuổi (Khi giảng kinh, Ngài nói Ngài thọ trên dưới 100 tuổi, thật tế Ngài nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi). Ngài trị vì đất nước tên Ca-duy-la-vệ. Thị giả của Thích Ca Như Lai, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên A-nan-đà. Phật Thích Ca thuyết pháp một hội có một ngàn hai trăm năm mươi Bí-sô đắc quả A-la-hán.
(Nếu kể thêm vị Phật tương lai là Phật Di Lặc thì chúng ta có tất cả 8 vị Phật thị hiện ở cõi Ta bà này)

Không có kiếp trái đất nào có nhiều hơn 5 vị Phật cùng giáng sinh. Có những giai đoạn kéo dài cả 1 A-tăng-kỳ đại kiếp trái đất mà không có vị Phật nào ra đời. Khoảng cách ra đời giữa các vị Phật trong cùng 1 kiếp trái đất cũng phải kéo dài tới hàng triệu, hàng tỷ năm (do một kiếp Trái Đất kéo dài hàng tỷ, hàng chục tỷ năm). Như vậy, cơ hội để chúng sinh được nghe hoặc đọc Chánh Pháp do một vị Phật thuyết giảng là vô cùng nhỏ nhoi và vô cùng quý báu.

Niết-bàn
Từ nguyên
Niết-bàn (zh. 涅槃, sa. nirvāṇa, pi. nibbāna, ja. nehan) là từ được dịch âm từ gốc tiếng Phạn nirvāṇa hoặc tiếng Pāli nibbāna. Nirvāṇa nguyên là phân từ thụ động quá khứ của động từ niḥ-√vā (2) nirvāti với nghĩa “thổi tắt”, “dập tắt” (một ngọn lửa) và như thế thì nirvāṇa mang nghĩa đã bị dập tắt, thổi tắt. Qua đó mà thuật ngữnirvāṇa cũng được dịch nghĩa là Khổ diệt, Diệt (zh. 滅), Diệt tận (zh. 滅盡), Diệt độ (zh. 滅度), Tịch diệt (zh. 寂滅), Bất sinh (zh. 不生), Viên tịch (zh. 圓寂), và vì khổ diệt được hiểu là mục đích tối cao trong đạo Phật nên nirvāṇa cũng được dịch ý là Giải thoát (zh. 解脫).

Tóm lược lại thì Niết-bàn có thể được hiểu là: Tình trạng ngọn lửa tham lam, sân hận, ngu si đã bị dập tắt.

Quan điểm Phật giáo
Tổng quan về Niết-bàn
Niết-bàn là mục đích tu hành cứu cánh của mọi trường phái Phật giáo. Trong đạo Phật nguyên thủy, Niết-bàn được xem là đoạn triệt Luân hồi (zh, 輪回, sa., pi.saṃsāra). Đó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp bất thiện (zh. 不善, sa. akuśala, pi. akusala) là tham, sân và si. Trưởng lão tăng kệ (pi. theragāthā) ghi (Chân Nguyên dịch Pāli-Việt):

Nguyên văn tiếng Pāli:

sabbo rāgo pahīno me, sabbo doso samūhato,
sabbo me vigato moho, sītibhūto `smi nibbuto. ||79||
Dịch nghĩa:

Ta đã buông xả tất cả những tham dục (pi. rāga), đã tiêu diệt tất cả sân hận (pi. dosa), ta đã lìa xa tất cả si mê (pi. moha)—Ta đã đạt sự tĩnh lặng (pi. sītibhūta), chứng niết-bàn (pi. nibbuta). ||79||
Với sự xuất hiện của Đại thừa (sa. mahāyāna), người ta có một quan điểm mở rộng của Niết-bàn dựa trên khái niệm Bồ Tát (zh. 菩薩, sa. bodhisattva, pi.bodhisatta). Ở đây Niết-bàn được xem như hết Khổ, khi có sự giải thoát khỏi mọi ảo giác, mọi tham ái. Trong nhiều kinh sách, người ta miêu tả Niết-bàn như một “ngọn lửa đã tắt”. Đó là xuất thế (zh. 出世; sa. lokottara) và chỉ có những hành giả đã đạt mới biết được. Vì vậy, trong đạo Phật nguyên thủy, Niết-bàn được hiểu là giải thoát khỏi phiền não. Tập bộ kinh (pi. suttanipāta) miêu tả như sau (Chân Nguyên dịch Pāli-Việt):

Nguyên văn tiếng Pāli:

accī yathā vātavegena khitto, atthaṃ paleti na upeti sankhaṃ,
evaṃ munī nāmakāyā vimutto, atthaṃ paleti na upeti sankhaṃ. ||1074||
atthan gatassa na pamāṇaṃ atthi, yena naṃ vajju taṃ tassa n`atthi
sabbesu dhammesu samūhatesu, samūhatā vādapathā pi sabbe. ||1076||
Dịch nghĩa:

Như ngọn lửa (pi. accī) đã bị sức mạnh của cơn gió (pi. vātavega) dập tắt, đến nơi an nghỉ, không thể được định nghĩa—cũng như vậy, một mâu-ni đã được giải thoát ra khỏi danh xưng và thân xác (pi. nāmakāya) đi về chốn an nghỉ, vượt khỏi mọi định nghĩa.||1074||
Người đã đến chỗ an nghỉ thì người ta không thể dùng ước lượng (pi. pamāṇa) để diễn tả ông ta. Cái đó không thuộc về ông ta. Khi tất cả các pháp (ý tưởng) đã tiêu diệt thì tất cả những phương tiện ngôn ngữ (pi. vādapatha) cũng tiêu diệt.||1076||
Trong một số kinh sách khác, Niết-bàn được hiểu là sự “an lạc” nhưng phần lớn được hiểu là sự giải thoát khỏi cái Khổ (sa. duḥkha, pi. dukkha).

Niết-bàn theo quan điểm Tiểu thừa
Trong Tiểu thừa (sa. hīnayāna), người ta phân biệt hai loại Niết-bàn:

Hữu dư niết-bàn (有餘涅槃; sa. sopadhiśeṣa-nirvāṇa, pi. savupadisesa-nibbāna): Niết-bàn còn sắc thân, Niết-bàn trước khi tịch diệt. Niết-bàn này là trạng thái của các bậc thánh nhân đã dứt bỏ mọi Phiền não, không còn tái sinh. Các vị này còn sống trên đời nên vẫn còn Ngũ uẩn, còn có nhân trạng nên gọi “hữu dư”. Trong Hữu dư niết-bàn hành giả còn khổ vì còn chịu nghiệp cũ. Có lúc hành giả thoát được cái khổ đó một cách tạm thời trong một số tình trạng thiền định nhất định. Từ quan điểm Hữu dư Niết-bàn này của Tiểu thừa mà phát sinh khái niệm Niết-bàn vô trụ (sa. apratiṣṭhita-nirvāṇa) của Đại thừa.
Vô dư niết-bàn (zh. 無餘涅槃, sa. nirupadhiśeṣa-nirvāṇa, pi. anupadisesa-nibbāna): là Niết-bàn không còn sắc thân, mười hai xứ (sa., pi. āyatana), mười tám giới (sa., pi. dhātu) và các Căn (sa., pi. indriya). Niết-bàn vô dư đến với một vị A-la-hán sau khi thân hoại mạng chung, không còn tái sinh. Loại Niết-bàn này cũng được gọi là Bát-niết-bàn (般涅槃, sa. parinirvāṇa).
Ngay trong Tiểu thừa thì quan điểm của mỗi phái cũng khác nhau. Thuyết nhất thiết hữu bộ (zh. 說一切有部, sa. sarvāstivāda) luận về Niết-bàn với khái niệm khả quan, cho rằng Niết-bàn là thể không sinh thành hoại diệt, có thể dần dần đạt đến bằng cách loại trừ khổ. Cứ diệt một loại khổ thì đạt được một cảnh giới của Niết-bàn. Vì thế mà có nhiều loại Niết-bàn và hầu như Niết-bàn là một cảnh giới cụ thể. Đối với Kinh lượng bộ (zh. 經量部, sa. sautrāntika) thì Niết-bàn chỉ là dạng chấm dứt khổ, nhưng không phải là một cảnh giới vĩnh hằng. Độc Tử bộ (zh. 犢子部, sa. vātsīputrīya) cho rằng có một cá nhân (sa. pudgala, dịch âm là Bổ-đặc-già-la 補特伽羅) thường còn, hiểu Niết-bàn là cõi mà cá nhân đó tiếp tục tồn tại. Đối với Đại chúng bộ (zh. 大眾部, sa. mahāsāṅghika)—được xem là tiền thân của phái Đại thừa—thì khái niệm Niết-bàn vô dư không còn quan trọng nữa. Từ đây các bộ phái sau bắt đầu phát triển và sử dụng danh từ Vô trụ xứ niết-bàn (sa. apratiṣṭhita-nirvāṇa). Đó là trạng thái Niết-bàn của các vị Phật đã thoát khỏi ràng buộc của thế gian nhưng chưa muốn hoàn toàn tịch diệt.

[PHẬT NGÔN]

Các Tỳ Kheo, có hai thứ Niết bàn (nibbânadhâtu). Những gì là hai? Niết bàn có dư y và Niết bàn không dư y. Các Tỳ kheo, thế nào là Niết bàn có dư y? Các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo là bậc A la hán, hết các lậu hoặc, hoàn thành phạm hạnh, làm xong việc nên làm, đặt xuống gánh nặng, đạt đến mục đích, hết sạch hữu kiết sử, giải thoát do chánh trí. Nơi vị ấy, 5 căn vẫn tồn tại; Vì bản thân không bị tiêu hoại nên vị ấy lý giải điều vừa ý và điều không vừa ý, và cảm giác vui khổ. Các Tỳ kheo, nơi vị ấy tham hết, sân hết, si hết, ấy gọi là Niết bàn có dư y.

Các Tỳ kheo, thế nào gọi là Niết bàn không dư y? Các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo là bậc A la hán, hết các lậu hoặc, hoàn thành phạm hạnh, làm xong việc nên làm, đặt xuống gánh nặng, đạt đến mục đích, hết sạch hữu kiết sử, giải thoát do chánh trí. Các Tỳ kheo, ở đây, nơi vị ấy, tất cả cảm giác không hỷ lạc (sabbavedayitâni anabhinanditâni) đều mát dịu; Các Tỳ kheo, ấy gọi là Niết bàn không dư y.

Các Tỳ kheo, đây là hai thứ Niết bàn.

Niết-bàn theo quan điểm Đại thừa
Trong Đại thừa, người ta nhấn mạnh đến tính chất Bồ Tát nhiều hơn và vì thế khái niệm Niết-bàn không được đề cao nhưng vẫn là mục đích cao nhất trên đường giải thoát. Không có tông phái Đại thừa nào xem Bồ Tát là mức cuối cùng của Phật đạo; đối với Bồ Tát, việc “nhập Niết-bàn” sau khi thực hiện xong hạnh nguyện. Ở đây, người ta phân biệt hai loại Niết-bàn: Vô trụ xứ niết-bàn (zh. 無住處涅槃, sa. apratiṣṭhitanirvāṇa) và Trụ xứ niết-bàn (zh. 住處涅槃, sa. pratiṣṭhita-nirvāṇa) với ý nghĩa cố định, bất động).

Trung quán tông
Trung quán tông (sa. mādhyamika) cho rằng, Niết-bàn nằm trong tính Không (không tính, zh. 空性, sa. śūnyatā), đó là sự “chấm dứt cái thiên hình vạn trạng”, cái chấm dứt đó là sự vắng bóng của mọi ràng buộc thế gian. Niết-bàn là sự thống nhất với Chân như (zh. 真如, sa. tathatā) không diễn tả được, là cái luôn luôn hiện hữu, nhưng không ai nhận biết. Niết-bàn và sinh tử không hề khác nhau, đứng trên phương diện lý tính tuyệt đối mà nói. Chính cái thức vô minh của chúng ta ngăn cản không cho nhận ra cái lý tính tuyệt đối đó. Long Thụ, được xem là Khai tổ của tông Trung quán, ghi lại như sau trong tác phẩm Trung luận (sa.madhyamakaśāstra) nổi danh, phẩm thứ 25, Quán Niết-bàn (sa. nirvāṇaparīkṣā, Chân Nguyên dịch Phạn-Việt):

Nguyên văn tiếng Phạn:

aprahīṇam asaṃprāptam anucchinnam aśāśvatam |
aniruddham anutpannam etan nirvāṇam ucyate ||25.03||
bhāvaś ca yadi nirvāṇaṃ nirvāṇaṃ saṃskṛtaṃ bhavet |
nāsaṃskṛto hi vidyate bhāvaḥ kva cana kaś cana ||25.05||
ya ājavaṃjavībhāva upādāya pratītya vā |
so `pratītyānupādāya nirvāṇam upadiśyate ||25.09||
na saṃsārasya nirvāṇāt kiṃcid asti viśeṣaṇam |
na nirvāṇasya saṃsārāt kiṃcid asti viśeṣaṇam ||25.19||
nirvāṇasya ca yā koṭiḥ koṭiḥ saṃsaraṇasya ca |
na tayor antaraṃ kiṃcit susūkṣmam api vidyate ||25.20||
sarvopalambhopaśamaḥ prapañcopaśamaḥ śivaḥ |
na kva cit kasyacit kaścid dharmo buddhena deśitaḥ ||25.24||
Dịch nghĩa:

Cái không được buông xả, không được chứng đắc, không đứt đoạn, không trường tồn, không hoại diệt, không sinh thành—cái đó được gọi là Niết-bàn. ||25.03||
Nếu Niết-bàn là sự tồn tại thì nó đã là hữu vi (sa. saṃskṛta), vì không nơi nào ta có thể tìm thấy một sự tồn tại vô vi (sa. asaṃskṛta) cả. ||25.05||
Cái gì có bản tính là đến và đi, cái ấy xuất hiện tùy thuộc hoặc xuất hiện trên cơ sở nhân duyên. Niết-bàn được dạy là không tùy thuộc, không duyên khởi. ||25.09||
Không có sự khác biệt của luân hồi so với Niết-bàn, không có sự khác biệt của Niết-bàn so với luân hồi. ||25.19||
Điểm tối cao của Niết-bàn cũng là điểm tối cao của luân hồi. Không có một mảy may khác biệt giữa hai trạng thái này. ||25.20||
Sự an tĩnh của tất cả những nhận thức, sự an tĩnh của thiên hình vạn trạng, thiện hảo (—đó chính là Niết-bàn). Chẳng nơi nào mà Phật đã thuyết một pháp nào cho một ai. ||25.24||
Duy thức tông
Duy thức tông (zh. 唯識宗, sa. vijñānavādin) cũng cho rằng Niết-bàn và luân hồi không khác, mọi hiện tượng đều không tồn tại, không thật có. Đối với tông này thì Niết-bàn xuất hiện khi mọi phân biệt chấm dứt. Duy thức tông cho rằng có hai dạng Niết-bàn: Niết-bàn của A-la-hán, đó là người khi chết chỉ còn Chân như tuyệt đối là tồn tại. Đó là người “đã yên nghỉ”. Dạng Niết-bàn đó tuy nhiên không ưu việt bằng Niết-bàn của Phật, là dạng chủ động “dập tắt ngọn lửa đời sống” nhưng cũng chủ động ban phát lòng từ bi. Đây là dạng thống nhất của Chân như với mọi chúng sinh, trong đó mỗi cá nhân vẫn còn tồn tại trong nghĩa quy ước. Kinh Lăng-già (sa. laṅkāvatārasūtra) ghi lại như sau (bản dịch Đức ngữ của H.W. Schumann, Chân Nguyên dịch Đức-Việt):

Phải nhận biết luân hồi và Niết-bàn không khác biệt nhau. (Laṅkāv 2, p.61)
Định nghĩa của bất nhị (zh. 不二, sa. advaya) là gì? Nó có nghĩa là, hình ảnh, dài ngắn, trắng đen xuất phát từ nhị nguyên và không tách rời nhau.
Như trường hợp luân hồi và Niết-bàn, tất cả những sự việc này đều bất nhị. Không có Niết-bàn, (trừ trường hợp) có luân hồi, và không có luân hồi, (trừ trường hợp) có Niết-bàn, bởi vì nguyên nhân hiện hữu của chúng nằm ở chỗ: (Nếu quán sát riêng biệt) Chúng không có định nghĩa. (Laṅkāv 2, p.76)
Tất cả những hiện hữu đều không có tự tính, chỉ là ngôn từ của những người (vô minh). Chúng chỉ là sự tưởng tượng (s. kalpanā) và không tồn tại thật sự. Niết-bàn (cũng chỉ) là cơn mộng. Không thể nhận thức được bất cứ cái gì trong luân hồi và không có một cái gì có thể nhập niết-bàn bao giờ. (Laṅkāv 2,146, p.88)
Thiền tông
Trong Thiền tông, Niết-bàn cũng không hề tách rời với thế giới này mà chính là sự trực ngộ được thể tính của Tâm, là thể tính của con người, thể tính của Phật. Thực hiện Niết-bàn phải thông qua trí huệ và vì vậy, có khi Niết-bàn được xem là đồng nghĩa với trí huệ bát-nhã. Niết-bàn và trí huệ chỉ là hai mặt của một cái duy nhất. Niết-bàn là trạng thái của một người đã đạt trí huệ bát-nhã, đã đạt tri kiến về Tâm và ngược lại Bát-nhã là trí huệ của một người đã chứng đắc Niết-bàn.

Quan điểm Ấn Độ giáo
Theo Ấn Độ giáo, Niết-bàn là sự thật tuyệt đối. Theo S.K. Belvalkar thì khái niệm Niết-bàn này xuất hiện trước khi Phật giáo được thành lập. Theo trường sử thiMahābhārata thì Niết-bàn được xem là sự tịch tĩnh (sa. śānti) và sự thỏa mãn (sa. susukkti). Trong tác phẩm Anugītā, Niết-bàn được xem như “một ngọn lửa không có chất đốt”. Chí Tôn ca như chủ ý nhấn mạnh tính đối nghịch với khái niệm Niết-bàn trong Phật giáo vì bài này miêu tả Niết-bàn như sự chứng đắc Phạm thiên (sa.brahman, 2,71). Du-già sư (sa. yogin) ở đây không được xem như một ngọn đèn đã tắt (như trong Phật giáo), mà là một ngọn đèn không đứng giữa cơn gió, không bị lay chuyển (6,19). Chứng đạt Niết-bàn được gọi là giải thoát (sa. mokṣa).

PHƯƠNG TIỆN

KHÁM PHÁ

VĂN HÓA

CÔNG NGHỆ

QUÂN SỰ

SỨC KHỎE

Món ngon Hải Phòng

I. BÁNH ĐA CUA 1. Cô Yến – 2B Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng) 30k 2. Bánh đa cua- 48 Lạch Tray, Ngô Quyền, HP (16-2h đêm) 30k 3. Bánh đa cua – Đầu ngõ 195 Cầu Đất, Ngô Quyền, HP (6 – 10h sáng)

Bún đỏ ở Hà Nội

Món bún đặc sản của Đăk Lăk được đưa về Hà Nội cho thực khách muốn đổi vị. Màu bắt mắt của bát bún đỏ có thể kích thích sự tò mò của những ai chưa từng thử món này. Người Hà Nội đã quen với bún riêu có màu

Doping là gì?

Thời gian gần đây, rất nhiều người hâm mộ thể thao có sự quan tâm rất nhiều đến Doping là gì và băn khoăn thử nghiệm doping là sao, và để trả lời cho câu hỏi đó các bạn hãy cùng tham khảo bài viết này nhé. Bạn đã nghe